Song, dù mất 4-5 tháng đình trệ, duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn trước đại dịch, bằng sự nỗ lực vượt khó và bắt nhịp được xu thế phục hồi, nhiều tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã ghi nhận những kết quả khả quan trong xuất khẩu, riêng sản phẩm thủy sản trở thành “điểm sáng” khi đạt 8,9 tỷ USD.

Vượt “bão” Covid-19, xuất khẩu tăng trên 20%

Kết thúc năm 2021, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL, như: An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... đã ghi nhận những kết quả xuất khẩu tích cực. Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tôm năm 2021 của tỉnh đạt hơn 1 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Đây là năm thứ hai liên tiếp Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm và là doanh nghiệp (DN) đầu tiên ở Việt Nam có KNXK tôm đạt con số hơn 1 tỷ USD. Năm 2021, hoạt động xuất khẩu của DN gặp không ít khó khăn, nhưng bên cạnh đó có những thuận lợi nhất định. Chính phủ kịp thời ban hành quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) và xuất khẩu. Những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà nước ta tham gia ký kết giúp tạo lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường...".

leftcenterrightdel
Thu hoạch tôm tại vùng nuôi tôm nguyên liệu Công ty TNHH Khánh Sủng (Sóc Trăng). 

Tại An Giang, theo đại diện Sở Công Thương, tổng KNXK năm 2021 đạt 1,12 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020, đạt 116% kế hoạch năm. Trong đó, dù được đánh giá là năm cực kỳ khó khăn của ngành thủy sản khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh nhưng xuất khẩu thủy sản đã có cú lội ngược dòng khi KNXK tăng 26,91%. Sở Công Thương An Giang đánh giá, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để tạo nền tảng, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2022.

Năm 2022: Lắm cơ hội, nhiều thách thức

Vượt qua thách thức từ đại dịch, ngay từ đầu năm 2022, các DN đã chủ động nắm bắt thông tin thị trường và phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để không bỏ lỡ những đơn hàng. Điển hình, tại Tập đoàn Nam Việt (An Giang), những ngày đầu năm 2022, có gần 5.000 công nhân của tập trung sản xuất nhiều đơn hàng thành phẩm cá tra để kịp giao cho các đối tác trên thế giới. Ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt, cho biết: “Thuận lợi hiện nay là nguồn nguyên liệu của tập đoàn khá ổn định nhờ vùng nuôi rộng tới 1.000ha; cùng với lực lượng công nhân trở lại làm việc đầy đủ, tất cả đều được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên tập đoàn đẩy mạnh chế biến xuất khẩu. Ngay trong tháng 1-2022, Tập đoàn Nam Việt dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 8.000 tấn thành phẩm cá tra các loại sang khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng trị giá 20 triệu USD, tăng 60-70% so với cùng kỳ”.

Mặc dù đã có sự chủ động trong sản xuất, các DN cũng ký kết được các đơn hàng xuất khẩu thủy sản lớn, song theo phân tích của các chuyên gia, việc kiểm soát dịch Covid-19 chưa có sự chắc chắn, bên cạnh đó là áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao nên kế hoạch xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2022 được đánh giá là khiêm tốn.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm. Điển hình như Hàn Quốc, sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Thời gian xử lý nhiệt trên sản phẩm tôm theo quy định của Hàn Quốc dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm. Một thị trường khác là Brazil cũng quy định chế độ xử lý nhiệt rất khắt khe so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới, đây cũng là một khó khăn, thách thức với các DN xuất khẩu. Cũng theo ông Luân, diện tích thả nuôi cá tra từ tháng 7 đến tháng 9-2021 giảm khoảng 30-55% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, từ tháng 1 đến tháng 3-2022, khả năng có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến đối với ngành cá tra xuất khẩu.

Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng: “Năm 2022, xu hướng thị trường sẽ vẫn tiếp tục bị tác động bởi những chính sách siết chặt việc kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch. Thị trường châu Âu trong năm 2022 sẽ khó có đột biến tăng trưởng do vẫn chưa thấy được các kết quả thoát dịch bền vững. Bên cạnh đó, nhiều thị trường không chịu nổi mức giá tăng của cá tra từ áp lực cước vận chuyển tăng vọt gấp 10 lần... Hàng rào kiểm soát Covid-19 cũng là rào cản lớn đối với xuất khẩu. Điển hình là DN đang gặp khó xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc khi quốc gia này áp dụng chính sách “zero Covid-19”.

Đối với ngành tôm, TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) nhận định, thách thức ngành tôm năm 2022 là các cường quốc tôm đều vượt qua dịch bệnh và có chiến lược phát triển. Ecuador, Ấn Độ có lợi thế là giá tôm rất rẻ. Trong năm 2021, Ecuador chuyển dịch mạnh tăng thị phần xuất khẩu tại châu Âu, Mỹ, giảm thị phần tại Trung Quốc. Cụ thể, Ecuador đã giảm tỷ lệ từ 53% xuống 45% tại Trung Quốc và tăng ở tổng hai thị trường châu Âu, Mỹ lên 46%. Chuyển dịch của họ sẽ tạo ra cạnh tranh mới với thủy sản nước ta. Riêng nội tại, ông Lực cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý. “Để tôm Việt lên kệ các hệ thống phân phối cao cấp và lớn tại thị trường nước ngoài, việc nuôi tôm phải chuẩn mực, có đánh số cơ sở nuôi để truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được. Muốn con tôm Việt được nâng tầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xúc tiến nhanh, hỗ trợ các địa phương làm tốt các nền tảng này”, ông Lực đề xuất.

Để giấc mơ thủy sản vươn xa, bền vững, không phải là tâm trạng trông chờ “thoát hiểm cuối năm” như hiện tại, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập cho rằng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực khai thác, chế biến, xuất khẩu và dư địa gia tăng chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế biến sâu, tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao từ các nguyên liệu, phụ phẩm tôm, cá tra còn rất lớn. Vì thế, phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “sân chơi” nội địa và quốc tế để các DN ngành thủy sản ứng xử đúng, liên kết lại để “làm sạch” con tôm, con cá và các sản phẩm thủy sản, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài. Các dịch vụ hậu cần logistics, thương mại điện tử, ứng dụng số cần được khuyến khích, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra nhiều phân khúc giá trị thủy sản sáng tạo. Làm được như thế thì KNXK thủy sản 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở con số 9 tỷ USD.

 Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản năm 2021 về đích với kết quả ước tính gần 9 tỷ USD có thể được coi là kỳ tích trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Với thế mạnh về tôm và cá tra đóng góp chủ yếu từ vùng ĐBSCL, xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 3% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 thế giới; xuất khẩu cá tra cũng đã có tín hiệu khả quan khi đạt 1,54 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020 và tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới.

 Bài và ảnh: THÚY AN