QĐND - Mới đây, ông Ngô Vĩnh Linh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa (Đắc Nông), đã ký Quyết định số 477/QĐ-UBND về việc đình chỉ công tác (4 tháng, kể từ tháng 5-2015) đối với ông Phạm Công Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, để làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý dẫn đến để mất rừng với diện tích lớn mà không có biện pháp ngăn chặn, không báo cáo cấp trên để xử lý kịp thời. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn xã Quảng Thành xảy ra 51 vụ phá rừng, gây thiệt hại 108ha rừng tự nhiên, nhưng địa phương chỉ phát hiện được 24 vụ.
Được biết, thời gian gần đây, tỉnh Đắc Nông nổi lên là một trong những điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và khai thác lâm sản trái phép. Đặc biệt, qua kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại một số địa phương thuộc tỉnh Đắc Nông, nhất là các huyện Tuy Đức, Đắc Song diễn ra một cách công khai, trong thời gian dài mà không được ngăn chặn, xử lý. Hơn thế, một số vụ phá rừng còn có sự tiếp tay, thậm chí tham gia của cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước, trong đơn vị được giao quản lý rừng, doanh nghiệp được giao rừng để thực hiện dự án. Cũng theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rừng thuộc hầu hết các hình thức quản lý trên địa bàn tỉnh Đắc Nông đều bị tàn phá nghiêm trọng, nhất là diện tích do các công ty lâm nghiệp nhà nước, UBND cấp xã quản lý và rừng cho các doanh nghiệp thuê thực hiện dự án. Tính toán sơ bộ thiệt hại về giá trị rừng bị phá tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắc Nông đã lên đến 270 tỷ đồng.
Đơn cử tại 40 dự án sản xuất nông - lâm nghiệp được UBND tỉnh Đắc Nông cho thuê hơn 31.600ha rừng để triển khai dự án, trong đó có 14.300ha rừng tự nhiên phải khoanh nuôi, bảo vệ. Nhưng chỉ mấy năm gần đây, các doanh nghiệp này đã để gần 5000ha rừng tự nhiên bị phá, đất đai bị lấn chiếm, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trước những diễn biến phức tạp và hệ huy lụy khôn lường do tình trạng tàn phá rừng ở Đắc Nông, mới đây, UBND tỉnh Đắc Nông đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm điểm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với chủ tịch kiêm giám đốc các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Đức Hòa và Thuận Tân. Chủ tịch UBND các huyện Đắc Song, Tuy Đức cũng bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. UBND tỉnh Đắc Nông giao UBND huyện Đắc Song, Tuy Đức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn để mất rừng diện tích lớn, trong thời gian dài. Ngoài ra, UBND tỉnh Đắc Nông cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm, xử lý trách nhiệm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, cán bộ kiểm lâm địa bàn các huyện, xã là điểm nóng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Đến nay, do việc buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền, sự thiếu trách nhiệm đã khiến cho tài nguyên rừng ở tỉnh Đắc Nông suy giảm nghiêm trọng, tỷ lệ độ che phủ rừng hiện chỉ còn 39%. Việc lập lại kỷ cương trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để mất rừng và chủ rừng, như cách mà tỉnh Đắc Nông đang thực hiện là phù hợp với đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Hy vọng rằng, việc xử lý kỷ luật cán bộ để mất rừng phải thực sự nghiêm minh, thực chất, góp phần ngăn chặn nạn phá rừng; đồng thời có biện pháp trồng bù những diện tích rừng đã mất, cải thiện môi trường sinh thái, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng cho Tây Nguyên.
BÌNH ĐỊNH