QĐND Online - Đây là vấn đề được đại biểu Lê Như Tiến (Đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 20-5…

Đại biểu Lê Như Tiến (Đoàn Quảng Trị).

Phóng viên (PV): Báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình kinh tế - xã hội có phản ánh đúng tình hình hiện nay, thưa ông? 

Đại biểu Lê Như Tiến: Phản ánh tương đối sát với thực tế, nhưng còn một phần mà đặc biệt là nông dân vẫn lo lắng ở hai khâu chính là vật tư đầu vào của nông nghiệp vẫn tăng cao, không giảm và phần hai là sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, như dưa hấu của người nông dân sản xuất ra không tiêu thụ được, giá thấp. Nguyên nhân chính là ở khâu trung gian. Người nông dân sản xuất ra chỉ 2-3 nghìn đồng/kg, nhưng khi đến tay người tiêu dùng sử dụng trực tiếp thì gấp đến 10 lần. Nghĩa là tiêu hao ở khâu trung gian quá lớn. Nhiều mặt hàng đều như vậy. Cho nên phải xem lại khâu trung gian. Chi phí trong quá trình vận chuyển, lưu thông là có nhưng không thể nhiều như thế được.

 

PV: Thưa ông, trách nhiệm này thuộc về cơ quan nào?

Đại biểu Lê Như Tiến: Tôi nghĩ là cơ quan quản lý thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, ở chừng mực nào đó là cơ quan quản lý về giá.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng):

Được mùa mất giá – tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Trước hết, việc nông sản cứ đến “hẹn” lại “được mùa mất giá” đúng là bức xúc của người nông dân, nhưng chúng ta cũng phải nhớ lại câu ngạn ngữ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Trước tiên, trong câu chuyện này, tôi cho rằng chúng ta phải xem lại phương thức sản xuất của bà con nông dân như trồng hành tím ở Sóc Trăng, trồng dưa hấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã phù hợp trong nền kinh tế quốc tế và thị trường trong nước hay chưa? Bà con nông dân đã phối hợp, liên kết với nhau, với các mô hình kinh tế khác để hình thành chuỗi cung ứng trên thị trường nội địa hay chưa?

Trong khi đó, chúng ta cứ “nhắm mắt” lại sản xuất theo ý muốn, thì quy luật của nền kinh tế thị trường sẽ “đè” ngay vào người sản xuất, khi cung nhiều, cầu giảm thì giá phải hạ. Chuyện này là đương nhiên.  Nên vì thế, phải hết sức bình tĩnh và phải ngồi xem xét lại trách nhiệm người nông dân, cơ quan quản lý… đến đâu, chứ không thể vội vàng đổ lỗi cho một ai đó thì sẽ là phiến diện.

Phải kiểm tra lại xem quy hoạch phát triển của các địa phương đối với các mặt hàng nông sản này và việc trồng nông sản dựa trên sự tự phát của người nông dân hay trên một quy hoạch tổng thể; rồi mới nói đến được câu chuyện phân phối, lưu thông mặt hàng đó ra sao…

Trong khâu phân phối phải nói thẳng chúng ta đã bỏ qua thị trường nội địa. Người dân nông dân chỉ thích bán cho Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường trong nước với 90 triệu dân thì lại phải mua giá cao với chính những mặt hàng nông sản sản xuất trong nước. Và khi các mặt hàng này bế tắc đầu ra thì chính thị trường trong nước lại là nguồn tiêu thụ chính, dựa trên những “bàn tay từ thiện”. Vấn đề ở đây, bản thân tư tưởng của người nông dân đã “bỏ qua” thị trường nội địa.

Riêng với câu chuyện nông sản, đây là lỗi của cả hệ thống. Chúng ta đã có nghị quyết về tam nông và đưa ra 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nhưng chúng ta thích làm đầu tư hơn là làm vận động. Làm hợp tác kinh tế tập thể thì chỉ thích làm HTX vì có sự hỗ trợ của Nhà nước...

Phải đưa công nghiệp hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đấy mới là mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu nông nghiệp.

XUÂN GIANG (ghi)