QĐND Online - “Việc phát triển chuyên ngành Y học biển và xây dựng mạng lưới y tế biển đảo mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho nhân dân, có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển nền kinh tế và bảo đảm an ninh biên giới trên biển của Tổ quốc” đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển đảo triển khai và định hướng tiếp theo thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” (gọi là Đề án 317) được tổ chức sáng 17-6, tại Hà Nội.

Trang bị kiến thức y tế cho ngư dân

Đề án 317 được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương trong thời gian từ năm 2013-2020, với tổng ngân sách là 8.200 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Đề án hướng đến củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân vùng biển, đảo; phát triển nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng và chất lượng, qua đó, tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển đảo. Việc thực hiện đề án này còn nhằm trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có thể tự bảo vệ sức khoẻ, biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo; thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển.

Khám chữa bệnh miễn phí cho người dân huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Cùng với đó, Bộ Y tế ban hành Quyết định về Danh mục thuốc và dụng cụ y tế cho tàu cá của ngư dân, loại tàu đánh cá xa bờ, từ 7 người đến 15 người. Cuối tháng 5-2014, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức phát động Chương trình “Ngành y tế cùng ngư dân bám biển” và trao tặng 300 tủ thuốc trang bị cho tàu cá của huyện Lý Sơn đi đánh bắt xa bờ. Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã duy trì lực lượng quân y đủ theo biên chế trên các tuyến đảo có cư dân và đảo không có cư dân, trên các phương tiện nổi, nhà giàn để sẵn sàng cứu chữa cho ngư dân; tăng cường kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe cho cư dân trên đảo; đã tổ chức cấp cứu cho 1.641 người (huyện Trường Sa là 44 người); Khám bệnh cấp thuốc điều trị cho 32.072 lượt người; Phẫu thuật cho 758 bệnh nhân; Khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 13.600 lượt người; Tổ chức 5 chuyến bay trực thăng cấp cứu an toàn 7 bệnh nhân nặng từ đảo về đất liền, 8 chuyến tàu quân sự vận chuyển nhiều bệnh nhân an toàn về đất liền... Ngoài ra, Viện Y học Biển đã triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực: 04 khóa chuyên khoa định hướng về Y học biển cho cho 60 Bác sĩ ngành GTVT, quân y; 4 khóa huấn luyện an toàn lặn biển cho 100 thợ lặn khu vực biển Đông Bắc; và huấn luyện cấp cứu trên biển cho hàng nghìn ngư dân khu vực phía Bắc; ký kết 2 Hiệp định với đối tác là Cộng hòa Pháp và Tập đoàn AQUALUNG (Cộng hòa Pháp) về việc đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ thiết bị lặn biển cho ngư dân Việt Nam.

Còn nhiều khó khăn phải khắc phục

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng sự khó khăn của việc thực hiện Đề án 317 lại vấp phải nhiều khó khăn do một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa chính trị-kinh tế - xã hội của Đề án 317 gắn với chiến lược biển Việt Nam, do vậy chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng với những nội dung của Đề án 317 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số địa phương còn giao khoán cho ngành y tế trong việc triển khai Đề án 317, coi đây là nhiệm vụ của ngành y tế, vì vậy khó tập trung được nguồn lực để thực hiện Đề án tại các Bộ, ngành, địa phương.

Tại cuộc họp, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc ban hành một số cơ chế chính sách chưa phù hợp, nhất là việc tổ chức nhân sự chuyên trách về y tế biển, đảo gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định về vị trí chức danh và chủ trương tinh giản biên chế. Mặt khác, công tác tuyên truyền còn chưa đầy đủ để thay đổi nhận thức của ngư dân, người lao động trên biển, cư dân trên đảo về quyền bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế, đặc biệt ở khu vực miền núi, biển đảo. Cùng với những khó khăn đó thì hành lang pháp lý chưa đủ cho việc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công dân bắt buộc phục vụ y tế biển, đảo và chính sách thu hút, ưu đãi với nhân viên y tế công tác trên biển, đảo. Phương thức chi trả, giá dịch vụ y tế chi việc cấp cứu, vận chuyển trên biển chưa hợp lý. Mặt khác, nguồn nhân lực phục vụ trong hệ thống y tế biển, đảo hiện không thiếu hụt nhiều về số lượng, tuy nhiên thiếu hụt nhiều về kiến thức y học biển. Trang thiết bị y tế đặc thù trang bị phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo thiếu; cơ sở hạ tầng y tế trên đảo tuy đã được đầu tư xây dựng, tuy nhiên các công trình phù trợ chưa đầy đủ, không đủ năng lực hoạt động khi có mưa bão chia cắt; thiếu phương tiện vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên biển.

Trước những khó khăn trên, để Đề án 317 được phát triển mạnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đã có kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành Quyết định việc mua và cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho toàn bộ cư dân trên đảo; cho phép các Bộ, ngành, địa phương chủ động tìm kiếm các nguồn vốn viện trợ, ODA…đầu tư cho phát triển y tế biển, đảo; chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết các Bộ ngành, địa phương để bố trí ngân sách để triển khai thực hiện Đề án 317; chỉ đạo các Bộ ngành, UBQG tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Y tế xây dựng cơ chế phối hợp chỉ huy điều hành và tổ chức lồng ghép các cơ sở y tế với trạm tìm kiếm cứu nạn trên các huyện đảo để tập trung nguồn lực. Còn đối với UBND các tỉnh, thành phố thực hiện Đề án 317, trong phạm vi quyền hạn, có những chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức tham gia các hoạt động phát triển y tế biển, đảo. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về y học biển cho cán bộ y tế; chủ động tìm kiếm các nguồn vốn, bố trí ngân sách cho các Sở ngành thực hiện các nhiệm vụ được phân công...

Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, trước mắt lực lượng cảnh sát biển, hải quân, Bộ đội Biên phòng, lực lượng cứu nạn cứu hộ phải xây dựng kế hoạch cho từng đơn vị, lực lượng nào cần triển khai trước thì phải đầu tư con người, trang thiết bị, thuốc tương ứng với cơ chế chính sách. Cần có cơ chế thích hợp để phối hợp với lực lượng cứu hộ cứu nạn trên biển. Thường xuyên mở lớp tập huấn “cầm tay chỉ việc” những phác đồ điều trị, cấp cứu ngạt, mở khí quản, sơ cứu ban đầu… cho người trên tàu cấp cứu ban đầu cho người bị nạn.

THU HƯƠNG