Và gần đây nhất, “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ĐH XIII) thể hiện quyết tâm hướng tới giá trị quan trọng ấy của dân tộc Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc
Theo cuốn “Hạnh phúc của người Việt Nam: Khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đánh giá” của PGS, TS Xã hội học Lê Ngọc Văn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ở Việt Nam, khoa học nghiên cứu về hạnh phúc cho đến nay hầu như vẫn đang còn bỏ trống. Chúng ta còn chưa biết rõ quan niệm về hạnh phúc và hạnh phúc trong đời thực của con người hiện nay như thế nào? Điều gì làm cho họ hạnh phúc hoặc bất hạnh? Nhóm xã hội nào hạnh phúc hơn, nhóm xã hội nào kém hạnh phúc hơn? Vì sao? Bằng cách nào để đo lường hạnh phúc? Chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam hiện nay là cao hay thấp? Những đặc trưng văn hóa trong quan niệm và thụ hưởng hạnh phúc của người Việt là gì?
 |
Hạnh phúc gia đình là yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống. Ảnh: TƯỜNG VY. |
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được thể hiện rõ qua mong ước cháy bỏng: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Mục tiêu cốt lõi theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là làm sao để nhân dân không còn phải lo cái ăn, cái mặc hằng ngày và phải bảo đảm cho người dân về y tế, giáo dục và nhà ở.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng, cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương, chính sách, trở thành một trong những mục tiêu then chốt trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng CNXH.
Trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2019 xếp hạng mức độ hạnh phúc của 156 quốc gia thì Việt Nam hiện đang đứng thứ 94. Đây là thứ hạng tương cao đối với một đất nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Thực tiễn xây dựng chỉ số hạnh phúc tại Việt Nam
Để đo lường quan niệm hạnh phúc và hạnh phúc trong đời thực của người dân, PGS, TS Lê Ngọc Văn và nhóm nghiên cứu đã có những nghiên cứu chuyên sâu về khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đánh giá về hạnh phúc của người Việt Nam. Đây là một nỗ lực nhằm trả lời câu hỏi về lý luận và thực tiễn đang đặt ra trong nghiên cứu hạnh phúc ở nước ta hiện nay. Theo đó, hạnh phúc được quan sát từ nhiều góc nhìn để làm rõ khái niệm, từ đó chỉ ra những nét đặc thù trong quan niệm và hưởng thụ hạnh phúc, hệ thống chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam, bao gồm chỉ số hạnh phúc quốc gia, chỉ số hạnh phúc trong từng lĩnh vực cơ bản của đời sống và chỉ số hạnh phúc của các nhóm xã hội khác nhau.
Kết quả tính toán cho biết chỉ số hạnh phúc chung của người Việt Nam trong cuộc điều tra này là 2,583 điểm đối với thang điểm 4 và 6,457 điểm đối với thang điểm 10. Chỉ số này là tính trung bình cộng mức độ hài lòng của người dân thuộc các lĩnh vực kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên, quan hệ gia đình - xã hội và đời sống cá nhân. Chỉ số hạnh phúc của các nhóm xã hội được khảo sát theo giới tính, nhóm tuổi, học vấn, nông thôn và đô thị, nghề nghiệp, mức sống, tộc người, tôn giáo. Kết quả cho thấy các nhóm xã hội/ dân số cũng có những khác biệt nhất định về các mức độ hạnh phúc.
 |
Quan niệm của người dân thuộc lĩnh vực kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên xếp theo thứ tự ưu tiên (%). Nguồn: Số liệu khảo sát nghiên cứu của PGS, TS Lê Ngọc Văn và nhóm nghiên cứu. Ảnh: Việt Hưng. |
Nhìn chung, Việt Nam là một quốc gia mà người dân sống ở đó khá lạc quan, yêu đời. Họ đánh giá tích cực về tất cả các lĩnh vực cơ bản của cuộc sống thông qua những trải nghiệm và mục tiêu đạt được hay sự thỏa mãn các mong muốn và nhu cầu cá nhân. Đó là lý do dẫn đến chỉ số hạnh phúc chung đạt mực 6,457 điểm trên thang điểm 10. Chỉ số hạnh phúc trong lĩnh vực đời sống kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên (5,780 điểm) thấp hơn đáng kể so với chỉ sổ hạnh phúc ở lĩnh vực quan hệ gia đình - xã hội (7,182 điểm) và đời sống cá nhân (6,122 điểm). Điều này một mặt cho thấy đời sống kinh tế - vật chất hiện tại chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, nhất là người nghèo, người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người. Mặt khác, nó cũng phản ánh điều kiện xã hội khách quan để phát triển kinh tế còn có nhiều rào cản và hạn chế. Trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế ở nước ta hiện nay, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, người dân không chỉ lo lắng về an ninh kinh tế - vật chất mà còn lo lắng về môi trường sống tự nhiên bị tàn phá, ô nhiễm, về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính sách của nhà nước và các địa phương trong việc bảo đảm việc làm, thu nhập, nhà ở, bảo vệ môi trường sống tự nhiên, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm không những mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân mà hơn thế nữa bảo đảm sự phát triển bền vững, công bằng xã hội, mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, TS Nguyễn Thị Hường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính cho biết: Kể từ năm 2012, khi Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định chọn ngày 20-3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc, thế giới đã hướng tới một định nghĩa toàn diện hơn về sự phát triển. Theo đó, phát triển không chỉ dừng lại ở sự tăng trưởng về kinh tế, mà phát triển còn phải chú trọng đến những giá trị, quyền lợi và cơ hội mà con người có quyền được thụ hưởng. Có khá nhiều tiêu chí để đánh giá, xếp hạng chỉ số hạnh phúc trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia trên cơ sở các biến số là trọng số để tham chiếu. Ví như năm 2019, có 6 biến số đo lường đánh giá chỉ số hạnh phúc quốc gia gồm: (1) GDP bình quân đầu người, (2) hỗ trợ xã hội, (3) sự hào phóng, (4) kỳ vọng sống lành mạnh, (5) quyền tự do lựa chọn cuộc sống và (6) nhận thức về tham nhũng.
Những bước đi cụ thể của Việt Nam trong xây dựng hạnh phúc
Là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã thể hiện sự hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc bằng sự phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động nhân ngày Hạnh phúc 20-3 vào cuối năm 2013 của người đứng đầu Chính phủ. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia tích cực và có nhiều động thái thể hiện sự ủng hộ Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Đặc biệt, kết quả xếp hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện trong mấy năm gần đây. Cụ thể, trong lần xếp hạng gần nhất của năm 2019, Việt Nam đứng thứ 94 (tăng 1 bậc so với năm 2018) và vượt trội ở 2 biến số là quyền tự do lựa chọn cuộc sống và kỳ vọng sống lành mạnh. Kết quả đó đã cho thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị với mục tiêu phấn đấu vì hạnh phúc của mỗi người dân. Cụ thể, Chính phủ đã sử dụng nhiều bộ công cụ đánh giá hiệu quả quản trị nhà nước, trong đó chú trọng đến các tiêu chí thành phần như: Sự tham gia của người dân ở sơ sở, trách nhiệm giải trình với nhân dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công (Bộ công cụ đánh giá hiệu quả quản trị địa phương PAPI, cải cách hành chính công PARI), bộ công cụ đánh giá sự hài lòng của người dân (Chỉ số SIPAS)… Ngay chiến dịch phòng, chống tham nhũng một cách quyết liệt trong thời gian vừa qua, hay những quyết sách kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng là những yếu tố giúp thăng hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam.
 |
TS Nguyễn Thị Hường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính. Ảnh: Việt Hưng. |
Cũng theo TS Nguyễn Thị Hường, việc nhấn mạnh “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Dự thảo văn kiện trình ĐH XIII sẽ là mục tiêu định hướng cho cả hệ thống chính trị, cho mỗi tổ chức, mỗi cá nhân.
Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chí riêng về hạnh phúc quốc gia, nhưng điều này không ảnh hưởng đến sự cảm nhận và đánh giá của người dân trong và ngoài nước về hạnh phúc của người Việt Nam. Thực tế, việc cụ thể hóa các tiêu chí về chỉ số hạnh phúc gắn với điều kiện thực tế và phấn đấu để đạt được các tiêu chí đó là điều cần phải thực hiện để Việt Nam thực sự là quốc gia hạnh phúc.
Yên Bái- tỉnh tiên phong trong xây dựng chỉ số hạnh phúc
Quan niệm về hạnh phúc là rất khó đong đếm kể cả trên phương diện một quốc gia hay phương diện cá nhân, tuy nhiên với tư cách là một nước thành viên cam kết hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc, Việt Nam đã có những hành động cụ thể để thúc đẩy chỉ số hạnh phúc. Trong đó, Yên Bái là tỉnh đầu tiên đã đưa "chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Yên Bái cho biết, vừa qua, Yên Bái đã xây dựng Kế hoạch điều tra dư luận xã hội về chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh từ bốn góc độ là: Tuổi thọ, điều kiện sống, môi trường sống, hệ thống chính trị. Thông qua các phương pháp điều tra thực địa, phương pháp phát phiếu hỏi tự điền, phương pháp thống kê và phân tích số liệu, cuộc điều tra tập trung vào việc đánh giá sự hài lòng của người dân trên địa bàn tỉnh đối với 3 tiêu chí chính: Một là, sự hài lòng về cuộc sống (điều kiện kinh tế - vật chất; mối quan hệ với gia đình và xã hội; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và dịch vụ xã hội; hoạt động của các cơ quan công quyền). Hai là, đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện tại trên địa bàn tỉnh. Ba là, sự hài lòng về môi trường sống.
 |
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Yên Bái. |
Qua kết quả khảo sát thực tế cho thấy, đa số ý kiến được hỏi hài lòng với các phương diện đánh giá hạnh phúc được đưa ra; tỷ lệ hài lòng cao nhất là về mối quan hệ với gia đình và xã hội và sức khỏe. Các tỷ lệ hài lòng về điều kiện vật chất, về hoạt động của các cơ quan công quyền, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đạt khá. Bên cạnh đó, tỷ lệ hài lòng về môi trường tự nhiên chưa cao; trong đó, người được hỏi quan tâm nhiều nhất đến việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; bảo vệ môi trường cây xanh; chất lượng khám, chữa bệnh; công tác đào tạo nghề, tạo việc làm. Cụ thể, tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 40,71%. Tiêu chí đánh giá về tuổi thọ trung bình thì 41,6% đánh giá tuổi của người dân Yên Bái là 70, chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 31,8%.
Yên Bái đã tạm thời vận dụng cách tính chỉ số hạnh phúc của tổ chức NEF - tổ chức nghiên cứu kinh tế, xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, để đưa ra cách tính chỉ số hạnh phúc bằng công thức: Chỉ số hạnh phúc = (Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống × tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình) ÷ tỷ lệ hài lòng về môi trường sống.
Với công thức trên, chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái hiện tại là: 53,3 %. Với tỷ lệ này, người dân tỉnh Yên Bái đang ở mức độ “Khá hạnh phúc mức 1”. Do đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất tăng chỉ số hạnh phúc của người dân trong nhiệm kỳ 2020-2025 thêm 15%, đạt 68,3%, tức là Khá hạnh phúc mức 2.
Từ kết quả điều tra, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã đề xuất những phương hướng giúp phát huy lợi thế và khắc phục các vấn đề còn tồn tại, làm căn cứ xây dựng một xã hội hạnh phúc, đời sống vật chất, tinh thần và tuổi thọ của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Hạnh phúc của con người là một khái niệm rộng lớn, là đích đến cuối cùng con người, “quyền được mưu cầu hạnh phúc” là một trong những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định các quyền cơ bản của con người, trong đó “quyền mưu cầu hạnh phúc” là chính đáng, không ai có thể xâm phạm được. Đó đồng thời cũng là khát vọng lớn lao của cả nhân loại đã và đang hướng tới. Việc đưa khát vọng này vào chủ trương lớn, định hướng tổng thể cũng cho thấy tinh thần hội nhập mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhưng vẫn giữ vững tinh thần và bản sắc của dân tộc cũng như của mỗi cộng đồng.
TƯỜNG VY