QĐND - Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong năm 2014, doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) vẫn duy trì được nhịp độ phát triển ổn định, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế quốc dân, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước... Song, để có thể phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập, vươn ra khu vực và thế giới, cạnh tranh hiệu quả với các doanh nghiệp khác, đòi hỏi DNQĐ phải có chiến lược phát triển tổng thể, nhất là khi Cộng đồng ASEAN sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay.

Tăng trưởng nhờ phát huy lợi thế, tiềm năng

Theo Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), trong năm 2014, các DNQĐ vẫn duy trì được nhịp độ phát triển ổn định, doanh thu đạt hơn 292 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2013), lợi nhuận trước thuế đạt hơn 46 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013), nộp ngân sách đạt 41 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2013), thu nhập bình quân đạt hơn 10,7 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,2% so với năm 2013).

Chuyển than từ phương tiện thủy lên bờ ở Công ty Cảng (Tổng công ty Đông Bắc).

Trong tổng thể bức tranh chung của DNQĐ thì Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vẫn là điểm sáng nhất với doanh thu ước đạt hơn 196.650 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013, chiếm 1/4 lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp Nhà nước và cũng là doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất (hơn 15 nghìn tỷ đồng). Các doanh nghiệp khác đã và đang phát huy tốt lợi thế so sánh để đứng vững và phát triển. Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô vẫn là thương hiệu số một Việt Nam về thi công các công trình âu tàu, cảng biển, hầm thủy điện, hầm đường bộ có khẩu độ lớn và đạt tăng trưởng ổn định. Tổng công ty 28 (Tổng cục Hậu cần) vẫn là bạn hàng chiến lược của các nhà phân phối nổi tiếng khi phân phối các sản phẩm may mặc như: Hugo Boss (Đức), Pierre Cardin (Pháp), Nex, T.M.Lewin, Mark & Spencer (Anh), Tiger of Sweden (Thụy Điển), Alfred Dunner (Mỹ) tại các thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vẫn là nhà khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam và là 1 trong số 34 cảng biển hàng đầu trên thế giới về khối lượng hàng hóa thông qua cảng. Các doanh nghiệp của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng như: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà, Công ty TNHH MTV 76 cũng đã trở thành bạn hàng tin cậy của đối tác nước ngoài. Trong đó, Công ty Hồng Hà ngày càng nhận được "chữ tín" của các tập đoàn đóng tàu Hà Lan khi đóng tàu xuất khẩu trọng tải 2.600 tấn đến 3.500 tấn. Theo Đại tá Tăng Văn Chúc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô: Do tổng công ty luôn biết phát huy lợi thế và nâng cao năng lực thi công hầm đường bộ, hầm thủy điện, công trình cảng biển ngoài đảo xa, xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp nên doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước, tạo được sức hút đối với các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Việc Công ty MECAMIDI S.A và Công ty TNHH Nam Sim khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Nam Sim tại Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) đã chọn tổng công ty thi công công trình bên nước bạn Lào là minh chứng. Còn Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 28 (Tổng cục Hậu cần), chia sẻ: “Việc phát huy thế mạnh của tổng công ty trong lĩnh vực may mặc và mở rộng liên doanh với các đối tác nước ngoài thời gian qua cũng đã giúp cho các sản phẩm, mẫu mã của tổng công ty luôn nâng cao chất lượng; giữ được thị phần ở nhiều thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Trên công trường của Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản (Tổng công ty Đông Bắc).

Mở ra cơ hội phát triển mới

Thời gian qua, về cơ bản, các DNQĐ đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, bảo đảm tăng trưởng ổn định, nhưng để phát triển mạnh hơn nữa đòi hỏi phải rất nỗ lực, nhất là vươn ra tầm khu vực và thế giới. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, bày tỏ:

Không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc dân, DNQĐ còn đi đầu trong công tác bảo đảm an sinh xã hội với hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhà tình nghĩa và đóng góp vào các quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"… Riêng tổng chi phí cho hoạt động xã hội năm 2014 của Viettel đã lên tới 450 tỷ đồng; trong đó 260 tỷ đồng dành tặng 2.600 xã nghèo để lập quỹ giúp học sinh nghèo học tập. Năm qua, các DNQĐ cũng đã xây 200 nhà tình nghĩa tặng các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

- Hiện tại, Viettel vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định. Doanh thu năm 2014 của tập đoàn tăng 20% trong khi các doanh nghiệp khác trong ngành tăng trưởng cơ bản từ 1-2%. Viettel cũng đã đầu tư ở 9 quốc gia (thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ). Tuy nhiên, sự thành công hôm nay có thể dẫn đến tự mãn, dừng lại, ngại đổi mới, tụt hậu và có thể là lực cản, trở ngại cho tăng trưởng những năm tiếp theo. Vì vậy, Viettel cần phẩm chất mới, cách làm mới, sáng tạo hơn ở những lĩnh vực hoàn toàn mới, phải thay đổi chính mình để khác đi, nhất là khi Viettel đang phấn đấu trở thành 1 trong 20 công ty viễn thông lớn nhất trên thế giới vào năm 2020, tập đoàn toàn cầu, tổ hợp nghiên cứu sản xuất cả quân sự, dân sự. Do đó, Viettel cần phải thay đổi về chất, phát triển bền vững khi ra biển lớn thế giới. Bởi các công ty hàng đầu trên thế giới, nguồn lực của họ giờ gấp khoảng 20-30 lần so với mình.

Do nắm bắt được xu thế phát triển và các nhu cầu về trang thiết bị, công nghệ nên nhiều DNQĐ đã chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực để nâng cao tiềm lực; trong đó phải kể đến Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty 28, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà, Công ty TNHH MTV 76… Cũng theo Đại tá Tăng Văn Chúc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, do tổng công ty kịp thời nắm bắt xu thế phát triển và nhu cầu trong hợp tác làm ăn nên đã trở thành đối tác tin cậy của Công ty MECAMIDI S.A (Pháp), Công ty TNHH Nam Sim với nhiều hợp đồng xây dựng nhà máy thủy điện tại Lào. Việc này càng có ý nghĩa thiết thực trong điều kiện “chợ việc làm” trong nước ngày càng khan hiếm, giúp tổng công ty cân bằng hơn trong quá trình bảo đảm việc làm và tăng trưởng ổn định. Nhiều DNQĐ cũng nắm bắt kịp thời xu thế phát triển, hội nhập để đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường các nước, thu hút vốn đầu tư¬ vào thị trường Việt Nam.

Để DNQĐ phát triển ổn định trong điều kiện nhiều doanh nghiệp quy mô còn nhỏ, tiềm lực hạn chế, trình độ tiếp thị và uy tín bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm còn hạn hẹp thì ngoài nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa để các DNQĐ phát triển, nhất là việc tích lũy vốn và quá trình tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, làm tăng năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực... Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động nhận thức đầy đủ về các cơ hội cũng như thách thức trong quá trình hội nhập, để từ đó nâng cao trách nhiệm, văn hóa ứng xử... góp phần phát huy được hiệu quả của DNQĐ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín, thương hiệu của DNQĐ trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Bài và ảnh: HOÀNG GIA MINH