Bảo đảm tiến độ từng gói thầu
Đến công trường thi công đường TSĐ đoạn qua Tây Nguyên, chúng tôi hòa mình vào khí thế lao động hăng say của cán bộ, chiến sĩ, công nhân Công ty TNHH MTV Xây dựng 384 trong thực hiện phong trào thi đua đột kích “60 ngày đêm quyết thắng”. Trao đổi với chúng tôi trên công trường thi công gói thầu Đ37E, có chiều dài 7,31km, qua địa bàn xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (Đắc Lắc), Thượng tá Hoàng Ngọc Tươi, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng 384 cho biết: “Đợt thi đua này, mục tiêu lớn nhất mà Đảng ủy, Ban giám đốc công ty đặt ra đó là thắng mưa để đạt tiến độ các gói thầu đơn vị tham gia thi công trên đường TSĐ”.
 |
Công ty TNHH MTV Xây dựng 384 tiến hành thảm thí điểm bê tông nhựa nóng gói Đ37E, đường TSĐ đoạn qua xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (Đắc Lắc). Ảnh: LÊ HIẾU |
Hiện tại trên công trường đường TSĐ đoạn qua tỉnh Đắc Lắc, Công ty TNHH MTV Xây dựng 384 tham gia thi công hai gói thầu, gồm gói Đ37E, có trị giá 38 tỷ đồng; một phần của gói Đ37A, thi công 2,2km đường và 5 cầu, có trị giá 73 tỷ đồng. Đến nay, các gói thầu đơn vị thi công đều đạt tiến độ chủ đầu tư giao. Trong đó, gói thầu Đ37E hiện có tiến độ thi công nhanh nhất trên đoạn tuyến có tổng chiều dài 20km ngang qua địa bàn xã Cư Đrăm.
Với quyết tâm hoàn thành gói Đ37E đúng hẹn, Công ty TNHH MTV Xây dựng 384 đặt ra mục tiêu đến cuối tháng 11 hoàn thành thảm bê tông nhựa nóng 5km. Hiện nay, đơn vị đang huy động 15 đầu thiết bị xe máy hiện đại và hơn 20 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động. Trên công trường, tranh thủ ngày nắng ráo, đơn vị tổ chức thi công ca sáng lấn đến 12 giờ trưa và tăng thêm ca tối từ 19 giờ đến 23 giờ. Đơn vị luôn được chủ đầu tư đánh giá cao về bảo đảm tiến độ các gói thầu trên đường TSĐ ngang qua địa bàn huyện Krông Bông.
Hiệu quả kép của tuyến đường
Các xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao thuộc huyện Krông Bông nơi có đường TSĐ ngang qua thuộc diện đặc biệt khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở. Việc đi lại của người dân, cũng như lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư bị ngưng trệ. Vì vậy, khi có đường TSĐ sẽ tạo huyết mạch giao thông chính, kết nối các xã sâu, xa nhất của tỉnh Đắc Lắc với mạng lưới giao thông đi các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Phú Yên và Khánh Hòa. Đồng chí Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết: "Toàn xã có 20km đường TSĐ ngang qua. Tuyến đường đi qua 8/12 thôn, buôn của xã, trong đó có 4 buôn người đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Tơng Rang A, Tơng Rang B, Chàm A và Chàm B. Đường TSĐ mang lại hiệu quả kép, không chỉ bảo đảm chiến lược về quốc phòng mà còn tạo những thuận lợi to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, hình thành diện mạo mới cho nông thôn vùng sâu, vùng xa. Ngay tại thời điểm này, mặc dù tuyến đường chưa thông tuyến sang tỉnh Lâm Đồng nhưng khá nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Cư Đrăm để đầu tư các dự án kinh tế, như nhà máy dứa và nhà máy sản xuất dăm gỗ".
 |
Công ty TNHH MTV Xây dựng 384 thảm thí điểm bê tông nhựa nóng gói Đ37E, Đường TSĐ đoạn qua xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (Đắc Lắc). Ảnh: BÌNH ĐỊNH |
Thấy được hiệu quả kinh tế-xã hội mà tuyến đường mang lại, nên thời điểm tháng 4-2021, khi Công ty TNHH MTV Xây dựng 384 nhận tuyến thi công gói Đ37E, hơn 200 hộ dân của thôn 2 và buôn Tơng Rang B, xã Cư Đrăm đã tình nguyện giao mặt bằng cho bộ đội, mặc dù bà con chưa nhận được tiền đền bù. Trong số hộ dân tình nguyện giao mặt bằng có gia đình anh Trần Hữu Thơ, Bí thư Chi bộ thôn 2. Anh Thơ tâm sự: “Gia đình có hơn 300m2 đất trong diện thu hồi làm đường và đã được định giá đền bù 28 triệu đồng. Đầu năm 2021, bộ đội Công ty TNHH MTV Xây dựng 384 đến vận động, gia đình tôi gương mẫu, đi đầu bàn giao trước để bà con noi theo”. Được biết, toàn tỉnh Đắc Lắc có 126,2km đường TSĐ ngang qua. Hiện nay đã hoàn thành 51,6km, đang thi công 48km, còn 26,6km đi qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin chưa có mặt bằng thi công.
Trao đổi với chúng tôi về tiến độ thi công, Thượng tá Trịnh Quang Thái, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 46 (Bộ Tổng Tham mưu) cho biết: "Đường TSĐ được nghiên cứu xây dựng từ năm 2005, có tổng chiều dài 666,79km (trong đó xây dựng mới 609,02km, tận dụng nền đường cũ 57,77km), là trục dọc giao thông chiến lược quan trọng, phân bố giữa Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh. Tuyến đường đi qua 7 tỉnh, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10.015 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Đến thời điểm hiện tại, dự án hoàn thành được 90% khối lượng công việc, đã nghiệm thu, bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý, bảo trì, khai thác 516,8km; nối thông 6/7 tỉnh trên toàn tuyến. Riêng đoạn tuyến nối tỉnh Đắc Lắc với Lâm Đồng còn 30,6km qua rừng đặc dụng của hai Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng) và Chư Yang Sin (Đắc Lắc), thuộc 4 gói thầu đang chờ hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 72ha rừng".
Từ thực tế hơn 500km đường TSĐ đã bàn giao đưa vào khai thác, cho thấy dự án phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên quy hoạch lại một số trung tâm hành chính cấp huyện, cấp xã; bố trí, sắp xếp lại dân cư, phát triển hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa. Đường TSĐ hình thành, kết nối với các trục giao thông hiện có đã xóa được thế cô lập của nhiều huyện, xã trong vùng khi vào mùa mưa lũ; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng, phương tiện cơ động triển khai cứu hộ, cứu nạn trong khắc phục sự cố thiên tai. Đặc biệt, đường TSĐ đã tạo thuận lợi cho việc bố trí thế trận phòng thủ địa phương và liên vùng, góp phần xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn chiến lược của cả nước.
KIỀU BÌNH ĐỊNH