Năm 1978, đồng chí Võ Chí Công làm Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đã nhớ lại kỷ niệm về những lần làm việc cùng đồng chí Võ Chí Công trong giai đoạn này.

Giai đoạn 1966-1968, ở Vĩnh Phúc, anh Kim Ngọc làm Bí thư Tỉnh ủy có chủ trương về quản lý và sử dụng có hiệu quả lao động nông nghiệp trong thời chiến. Việc thực hiện khoán hộ thực sự là phát kiến, sáng tạo sớm nhất của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và anh Kim Ngọc (năm 1968, Vĩnh Phúc, Phú Thọ sáp nhập thành Vĩnh Phú), mang lại ảnh hưởng rất lớn vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng cho công cuộc đổi mới, cho kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho việc phục hồi đất nước sau chiến tranh. Việc tiến hành công cuộc đổi mới không chỉ là thay đổi về kinh tế, phương thức khoán khi đó mà còn là sự thay đổi cả về nhận thức xã hội cũng như phương thức lãnh đạo của Đảng (năm 1997, hai tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ được tái lập).

leftcenterrightdel
Ngành nông nghiệp phấn đấu không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế . Ảnh: nld.com.vn 

Khoảng những năm 1978-1980, lúc đó, tôi đang làm Trưởng ban Quản lý hợp tác xã của tỉnh Vĩnh Phú thì một hôm bỗng nhận được điện thoại của đồng chí Võ Chí Công (lúc này giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp): “Ngọ! Chuẩn bị hôm nào tôi lên Vĩnh Phú, đón tôi ở Thổ Tang, xã làm "khoán chui" ấy. Tôi muốn xuống trực tiếp gặp dân để nắm bắt tình hình cụ thể như thế nào". Chúng tôi đón đồng chí Võ Chí Công ở xã Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường). Thổ Tang có hai vấn đề gây chấn động lúc bấy giờ, thứ nhất là việc thực hiện "khoán chui", thứ hai là do dân Thổ Tang chủ yếu làm nghề buôn bán nên khi nhận ruộng khoán, họ thuê lao động ở xã bên cạnh để làm cho mình. Do đó, ở Thổ Tang lúc đó tập hợp, hình thành một nhóm người đến chờ được thuê mướn lao động. Đồng chí Võ Chí Công tận mắt chứng kiến những người ở các xã khác đến Thổ Tang chờ được thuê mướn rồi hỏi tôi: “Đây là người đi làm thuê đấy hả Ngọ?”. Tôi trả lời: "Vâng! Người làm nông nghiệp đi thuê lao động làm nông nghiệp".

Thời đó, một số cơ quan báo chí lên án, phê phán việc này ghê gớm lắm, nào là: Khu bán lao công, Thổ Tang có khu thuê lao công... Những nông dân này nhận khoán của hợp tác xã rồi sau đó thuê người về làm ruộng cho mình, thậm chí có người còn mạnh dạn khoán gọn việc làm ruộng, còn bản thân đi buôn bán. Thăm Thổ Tang xong, đồng chí Võ Chí Công yêu cầu được tới một xã nữa để nắm bắt thêm tình hình. Chúng tôi đưa đồng chí tới xã Tứ Trưng (nay là thị trấn Tứ Trưng), huyện Vĩnh Tường. Tới Tứ Trưng, đồng chí Võ Chí Công gặp gỡ trực tiếp nông dân, được tận mắt chứng kiến những ruộng lúa xanh tốt của các nông dân nhận khoán.

Đồng chí hỏi tôi làm thế có được không, tại sao ruộng của hợp tác xã thì lỗ chỗ, còn ruộng khoán cho dân lại tốt thế? Tôi báo cáo đồng chí, dân họ rất thích vì được làm chủ đất được nhận khoán. Thứ hai, họ được làm chủ về việc sản xuất, cày bừa, cấy, chăm sóc, thu hoạch. Họ chăm lo cho ruộng của họ vì thành quả được mùa hay mất mùa đều tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi hộ gia đình nhận khoán. Không giống như các hợp tác xã thời đó làm theo công điểm, ăn chia theo công điểm (kết quả của sản xuất lại bị tách rời, thiếu hiệu quả).

Trước khi về Hà Nội, đồng chí Võ Chí Công nói với tôi: “Ngọ ơi, nay về nhìn tận mắt, theo tớ, cái gì lợi cho dân, dân ủng hộ thì nên nắm bắt, phản ánh thật khách quan và định hướng chỉ đạo, cố gắng mà làm, còn cái gì người dân chán nản, làm đối phó và thu hoạch kém thì nên xem lại”. Câu nói này khiến chúng tôi cảm thấy phấn khởi, được động viên. Đồng chí Võ Chí Công là con người của thực tiễn, việc xử lý giữa chủ trương chung và hình mẫu cá biệt "khoán chui" thời điểm đó rất hài hòa. Nói khoán hộ ở Vĩnh Phú may mắn có “bệ đỡ Võ Chí Công” là vì thế.

Không chỉ Vĩnh Phú thực hiện khoán đến hộ dân, các địa phương như Hải Phòng cũng thực hiện khoán đến nhóm và người lao động. Đồng chí Võ Chí Công luôn sâu sát cơ sở; trực tiếp đi đến các địa phương để tìm hiểu thực tiễn khó khăn, những vấn đề về cơ chế “trói buộc” nông dân. Đồng chí nghiên cứu rất kỹ những nơi "xé rào" áp dụng “khoán chui”, tức là giao khoán cho mỗi hộ một số diện tích ruộng, hợp tác xã có thể điều hành một số khâu, xã viên nộp mức khoán sản phẩm theo diện tích được chia cho hợp tác xã, phần dư thừa nông dân được hưởng. Sở dĩ việc này được gọi là “khoán chui” vì trái với hình thức hợp tác hóa nông nghiệp thời đó.

Từ thực tế này, đồng chí đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị số 100-CT/TW (tháng 1-1981) về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động (còn gọi tắt là Khoán 100). Chỉ thị 100 có ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, đồng thời cũng là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta.

Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp, đã khơi nguồn, đánh thức động lực phát triển cho nông nghiệp, phù hợp với lòng dân, được nhân dân phấn khởi đón nhận. Từ thắng lợi của Khoán 100, đồng chí Võ Chí Công được Bộ Chính trị tin cậy giao cho việc soạn thảo để ra Nghị quyết số 10-NQ/TW (tháng 4-1988), thường gọi tắt là Khoán 10. Nông nghiệp Việt Nam sau khi có Khoán 10 được “cởi trói” chính thức, tạo động lực để ngành nông nghiệp phát triển. Nhờ cơ chế khoán này mà nông dân được giải phóng sức lao động, yên tâm đầu tư thâm canh trên mảnh ruộng của mình. Từ đó, năng suất lúa tăng vọt, chỉ thời gian ngắn, nông nghiệp Việt Nam "cất cánh". Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực. Và ngày nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hằng năm từ 1 tỷ USD trở lên, như: Gạo, thủy sản, cà phê, tiêu, điều, cao su, trái cây...

Sự thành công của cơ chế khoán trong nông nghiệp, quản lý nông nghiệp, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế có sự đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công, góp phần quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc. Điều đó cũng cho thấy tầm nhìn của đồng chí Võ Chí Công, một trong số những nhà lãnh đạo tiên phong trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

 NGUYỄN KIỂM (lược ghi)