QĐND Online – PGS, TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, bảo đảm sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, niêm mạc, da, ngoài ra còn đóng vai trò trong tăng trưởng và tăng cường miễn dịch của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, thiếu vitamin A gây khô mắt, nếu nặng có thể gây mù mắt, chậm phát triển cân nặng, chiều cao, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở trẻ em tiền học đường. Bổ sung vitamin A liều cao làm tăng tỷ lệ sống ở trẻ nhỏ tới 20-30% do làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp.

Đặc biệt, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã ban hành một tuyên bố chung khuyến nghị rằng, vitamin A được dùng cho tất cả trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh sởi ở các địa phương có tình trạng thiếu vitamin A đang là vấn đề có ý nghĩa đối với sức khỏe cộng đồng. Việc bổ sung này giúp dự trữ vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi, kể cả ở trẻ được nuôi dưỡng tốt và có thể giúp bảo vệ mắt, chống mù lòa. Bổ sung vitamin A đã được một số nghiên cứu chứng minh làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, ở các nước đang phát triển, điều trị vitamin A cho trẻ em bị mắc bệnh sởi giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác và tử vong. Bệnh sởi tiến triển nặng ở trẻ nhỏ có tình trạng dinh dưỡng kém, suy dinh dưỡng hoặc trẻ có hệ thống miễn dịch suy giảm, đặc biệt là thiếu vitamin A, nên bệnh nhân dễ bị biến chứng. Các nghiên cứu khác cũng đã xác nhận việc bổ sung vitamin A làm giảm mức độ nặng của các biến chứng (ví dụ: tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp) ở bệnh nhân mắc bệnh sởi. Đặc biệt, bệnh sởi làm tăng nhu cầu vitamin A của cơ thể, dẫn đến thiếu vitamin A, kể cả ở những trẻ trước đó được nuôi dưỡng tốt và không thiếu vitamin A vẫn có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa.

Ảnh minh họa

Thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A tốt nhất

Thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A tốt nhất. Vì gan là nơi dự trữ vitamin A nên gan có thành phần vitamin A cao nhất. Chất béo từ thịt và trứng cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể.

Nguồn tiền vitamin A (Beta-carotene) thường là từ một số sản phẩm động vật như: Sữa, kem, bơ và trứng. Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A (Beta-Caroten) như các loại củ, quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm, dầu cọ và các loại dầu ăn khác. Theo các nghiên cứu gần đây, khi vào cơ thể, tiền vitamin A sẽ được chuyển thành vitamin A.

Bên cạnh việc bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ theo định kỳ 1 năm 2 lần vào đầu tháng 6 và tháng 12 hằng năm, các bà mẹ cần nâng cao sức đề kháng cơ thể của trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất khác nữa.

Chế độ ăn uống bảo đảm vi chất dinh dưỡng


Một chế độ ăn uống bảo đảm vi chất dinh dưỡng cần bảo đảm các nguyên tắc:


Chế độ ăn đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm: Nhóm cung cấp chất bột đường, chất đạm gồm đủ loại cung cấp trứng; sữa; thịt cá các loại; đậu phụ và đậu đỗ; chất béo (dầu và mỡ); rau có màu xanh thẫm, củ quả màu vàng, và các loại rau củ khác giàu vitamin – khoáng chất thiết yếu.


Ăn đa dạng thực phẩm: Thay đổi thực phẩm thường xuyên, nên ăn 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày. Thức ăn chế biến dạng lỏng, hay mềm, theo sở thích của từng trẻ.

Nên bổ sung các dạng siro, hay dạng cốm đa vitamin- khoáng chất khác cho trẻ em, hay viên đa vitamin khoáng chất cho người lớn giúp cho nâng cao miễn dịch, mà trong thành phần các sản phẩm dinh dưỡng này cần có các thành phần như vitamin A, E, C, kẽm, selen…, trong đó quan trọng hơn cả là vitamin A, C và kẽm.

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cần:

-Đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Sử dụng các loại thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

-Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

-Bữa ăn của trẻ cần các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D.

-Trẻ em trong độ tuổi uống Vitamin A liều cao 2 lần/năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống một liều Vitamin A.

-Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.

-Phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên Sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

-Sử dụng muối Iốt và các sản phẩm có bổ sung Iốt trong bữa ăn hàng ngày.

Ngày 1-2 tháng 6, hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường.

NGUYỄN THẢO