Trong những năm qua, vượt lên hoàn cảnh khó khăn về sức khỏe, các thương binh, bệnh binh trên khắp mọi miền đất nước đã phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đem sức lực và trí tuệ còn lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau năm 1975, theo chủ trương của Nhà nước, từ Bắc đến Nam đã có hơn 3.000 xí nghiệp và cơ sở sản xuất của thương, bệnh binh mang tên 27-7 lần lượt được thành lập để sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Khi đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập, tuy buổi đầu có gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp của thương binh đã kiên trì tìm biện pháp vượt khó để tồn tại trong quy luật cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường. Đến nay, trên cả nước vẫn tồn tại hơn 1.000 công ty, xí nghiệp của thương binh đang đứng vững, kinh doanh năng động, có hiệu quả. Ở các tỉnh, thành phố và các quận, huyện trên cả nước, các đơn vị sản xuất, kinh doanh mang tên 27-7 luôn là nòng cốt tiếp nhận những lao động là thương binh, con em các gia đình thuộc đối tượng chính sách, những người tàn tật (NTT) có khả năng lao động để dạy nghề, sắp xếp việc làm, bảo đảm cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Điển hình như Công ty TNHH một thành viên 27-7 TP Hồ Chí Minh có hơn 400 lao động, trong đó chiếm tới một nửa lao động là thương binh và NTT, mỗi năm nộp ngân sách hơn 45 tỷ đồng, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động. Công ty TNHH một thành viên 27-7 Hà Nội thu hút hơn 500 lao động, trở thành đơn vị sản xuất bao bì, may mặc xuất khẩu có uy tín với nhiều bạn hàng trong nước và quốc tế. Công ty Cổ phần 27-7 tỉnh Quảng Ninh có tới hơn 300 lao động, trong đó có 30% lao động là thương binh và NTT, đứng vững trong ngành may mặc, in và vận tải. Công ty Chân-Thiện-Mỹ do một thương binh làm giám đốc đã thu hút gần 400 lao động là NTT để sản xuất các sản phẩm thủ công-mỹ nghệ, cung cấp cho bạn hàng trong nước và quốc tế. Ở những nơi này thương binh và NTT có việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống và đã có nhiều người thành vợ, thành chồng, sống đoàn kết, thân ái trong khu tập thể của công ty. Những điển hình nêu trên đã khẳng định bản chất cách mạng của thương binh-Bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế", "thương người như thể thương thân".

Tháng 9-2003, những doanh nghiệp thương binh nòng cốt trong cả nước đã tập hợp lại để thành lập Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người tàn tật Việt Nam (VABED). Từ 113 đơn vị hội viên buổi đầu, qua 5 năm của nhiệm kỳ I, Hiệp hội đã có 283 đơn vị hội viên, đứng chân trên mọi miền đất nước. Ba Trung tâm dạy nghề ở miền Bắc, miền Trung và Nam bộ đã thu hút 57 đơn vị tham gia dạy nghề cho gần 1.600 NTT. 70% trong số đó đã được sắp xếp việc làm ổn định ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trên cả nước hiện nay mới có hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có NTT làm việc, thu hút 25.000 lao động là NTT. Ở các vùng nông thôn cũng mới chỉ có 30% lao động là NTT có việc làm tương đối ổn định. Điều đó đặt ra vấn đề: cần triển khai mạnh mẽ hệ thống các Trung tâm dạy nghề phù hợp để dạy nghề cho NTT, tạo điều kiện sắp xếp việc làm cho họ.

Trong nhiệm kỳ 2008-2013, với tôn chỉ, mục đích của một Hiệp hội xã hội-nghề nghiệp, phi lợi nhuận, các thành viên của VABED sẽ thảo luận và quyết định đổi tên thành "Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người tàn tật Việt Nam" để tập hợp sức mạnh của các doanh nghiệp thương binh trong cả nước phát huy kinh nghiệm truyền thống, làm nòng cốt trong Hiệp hội, nỗ lực tham gia vào nhiệm vụ dạy nghề, tạo việc làm cho NTT.

Việc đổi tên Hiệp hội không chỉ có ý nghĩa vinh danh đội ngũ thương binh trong cả nước, mà còn cổ vũ họ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chống đói nghèo, tự vươn lên để làm chủ cuộc sống, thực sự hòa nhập vào cuộc sống chung của xã hội.

ĐỖ KHÁNH TOÀN

(TBT Tạp chí Hướng nghiệp và Hội nhập)