Còn nhiều bất cập giữa thực tiễn và quy định của pháp luật
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình công bố thông tin của DNNN, tính đến ngày 20-9-2016, chỉ có 140/432 DNNN (32,41%) thực hiện công bố thông tin nhưng chưa đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật. Trong số 31 tập đoàn kinh tế (TĐKT) và tổng công ty (TCT) Nhà nước thì chỉ có duy nhất TCT Quản lý bay Việt Nam là thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin, còn hầu hết chưa công bố đầy đủ các nội dung theo quy định, cá biệt một số đơn vị như: TCT Giấy Việt Nam, TCT Thiết bị y tế Việt Nam… chưa thực hiện.
Vậy đâu là nguyên nhân của việc chậm, chưa công bố hoặc công bố thông tin không đầy đủ, không tuân thủ các quy định của pháp luật? Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc lúng túng trong thực hiện các quy định của pháp luật về công bố thông tin của các đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ, dẫn đến việc thực hiện chưa nghiêm túc hoặc vi phạm; một số nội dung công bố phải báo cáo cơ quan cấp trên phê duyệt, thẩm định nên dẫn đến công bố thông tin quá hạn, việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cơ quan chủ quản, chủ sở hữu trong việc yêu cầu các DNNN, TĐKT, TCT Nhà nước thực hiện công bố thông tin cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm này. Bên cạnh đó, các chế tài đối với những hành vi vi phạm còn mang tính hình thức, chưa đủ mạnh để buộc các đối tượng phải nghiêm túc thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của các DNNN, TĐKT, TCT Nhà nước là việc các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản chưa mạnh tay xử lý đối với các cá nhân, người quản lý khi họ có hành vi vi phạm nghĩa vụ này".
Các chế tài xử lý vi phạm vấn đề này được quy định tại Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26-11-2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26-11-2014, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1-6-2016, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18-9-2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, chỉ có Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1-6-2016 quy định cụ thể các hành vi không công bố hoặc công bố không đầy đủ, không chính xác thông tin DNNN có thể bị xử phạt đến 15 triệu đồng, còn lại các văn bản quy phạm pháp luật khác chỉ quy định chung chung, chưa cụ thể, nên chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Cần nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật
Từ những thực tiễn trên cho thấy, ngoài các nguyên nhân mang tính khách quan như: Chậm phê duyệt, thông qua báo cáo; sự thiếu đôn đốc hoặc xử lý của các đơn vị chủ quản, đơn vị quản lý, thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các DNNN, TĐKT, TCT chậm, chưa hoặc công bố thông tin không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật chủ yếu xuất phát từ nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức kỷ luật của những người được giao nhiệm vụ, chức trách quản lý DNNN, TĐKT, TCT và xuất phát từ chính các chính sách pháp luật quản lý người quản lý DNNN, TĐKT, TCT. Đã thế, hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của pháp luật về công bố thông tin DNNN là hành vi vi phạm đến mức độ nào theo các tiêu chí đánh giá của pháp luật về hành vi vi phạm của người quản lý DNNN, hành vi đấy là vi phạm, vi phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, pháp luật chưa quy định cụ thể, dẫn đến việc áp dụng, thực thi, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật không đúng, không chính xác.
Theo Luật sư Trịnh Xuân Tiến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về công bố thông tin của DNNN, bảo đảm cho việc thực thi đúng, đầy đủ, chính xác các quy định về công bố thông tin của DNNN, các quy định hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Cụ thể là, cần quy định chi tiết những nghĩa vụ, trách nhiệm của các đơn vị quản lý, đơn vị chủ sở hữu trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của các DNNN thuộc phạm vi quản lý. Trách nhiệm của người đứng đầu, bộ phận tham mưu khi để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về công bố thông tin DNNN tại đơn vị phải được làm rõ và xử lý nghiêm. Muốn vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ cho bộ phận pháp chế tại các DNNN, TĐKT, TCT để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, ý thức kỷ luật của các cá nhân, bộ phận chức năng của các đối tượng cần phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin tại các DNNN. Cùng với đó, từng bước xóa bỏ "tư duy nhiệm kỳ" đối với các cá nhân là người quản lý doanh nghiệp bằng hình thức luân chuyển luân phiên với thời gian không lớn hơn 2 năm tại một đơn vị là DNNN, TĐKT, TCT. Đồng thời, gắn liền kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn, phát huy hiệu quả sử dụng phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với những quyền lợi được hưởng và nghĩa vụ mà họ phải thực hiện; xây dựng các tiêu chí đánh giá người quản lý theo mô hình hiệu quả, minh bạch, liêm chính, tuân thủ pháp luật… Ngoài ra, các cơ quan thanh tra chuyên ngành cần phối hợp chặt chẽ với bộ phận thống kê, tổng hợp của Bộ KH&ĐT kịp thời phát hiện, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc và xử lý những vi phạm pháp luật về công bố thông tin của các DNNN, TĐKT, TCT. Đề xuất, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ KH&ĐT xử lý các doanh nghiệp, các cá nhân là người quản lý doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định công bố thông tin tại đơn vị mình.
ANH THƯ