Những thắc mắc về việc ghi chỉ số công tơ điện có xu hướng gia tăng. Dư luận đặt câu hỏi: Còn bao nhiêu trường hợp sai số và giải pháp nào để ngành điện minh bạch hóa đơn tiền điện?

Nỗ lực bảo đảm đủ điện trong cao điểm nắng nóng

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào khoảng 14 giờ ngày 23-6, công suất tiêu thụ hệ thống điện toàn quốc đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay với con số kỷ lục là 38.300MW. Trước tình hình phụ tải tăng rất cao như hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động thực hiện phương án huy động cao các nguồn điện, nhất là huy động nguồn nhiệt điện dầu với giá cao để bảo đảm cung cấp điện. Đáng chú ý, mặc dù căng thẳng trong cung cấp điện song EVN yêu cầu các tổng công ty, công ty điện lực khi nhiệt độ từ 36 độ C trở lên, các công ty điện lực không thực hiện cắt điện để sửa chữa nhằm bảo đảm sinh hoạt của người dân. Trong bối cảnh nguồn cung điện đang gặp rất nhiều khó khăn, việc bảo đảm đủ điện phục vụ cho nền kinh tế và đời sống nhân dân là nỗ lực rất đáng ghi nhận của ngành điện.

Công nhân điện lực Kiên Giang kiểm tra chất lượng công tơ điện tại nhà dân. Ảnh: ĐỨC TRUNG.

Tiền điện trong hóa đơn tăng tới hàng trăm lần so với thực tế

Thế nhưng, sự việc gia đình bà Đào Thị Gái ở thôn 7, xã Hạ Long (Vân Đồn, Quảng Ninh) nhận được thông báo nộp tiền điện từ Điện lực Quảng Ninh, Tổng công ty Điện lực miền Bắc với số tiền lớn bất thường thu hút sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, sản lượng điện tiêu thụ tháng 6-2020 của gia đình bà Đào Thị Gái theo hóa đơn tăng cao đột biến, với số tiền phải trả lên tới hơn 89,3 triệu đồng.

Theo đại diện Công ty Điện lực Quảng Ninh, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Điện lực Vân Đồn (thuộc Điện lực Quảng Ninh) đã cử đoàn công tác đến phối hợp với gia đình bà Đào Thị Gái để tiến hành kiểm tra đồng hồ đo đếm điện năng. Kết quả công tơ hoạt động bình thường. Qua kiểm tra, sản lượng thực tế sử dụng điện của gia đình bà Đào Thị Gái trong tháng 6-2020 là 200kWh, với số tiền hơn 368.000 đồng (thấp hơn so với hóa đơn hơn 242 lần). Trả lời về vấn đề này, Công ty Điện lực Quảng Ninh khẳng định đây là sai sót của Điện lực Vân Đồn do việc chốt chỉ số công tơ điện tử được thực hiện bằng thiết bị cầm tay. Do thời tiết ngày 15-6-2020 có mưa dông, tín hiệu không bảo đảm khiến việc cập nhật chỉ số và sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng không chính xác. Trước sự việc trên, Điện lực Vân Đồn đã xin lỗi khách hàng. Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chỉ đạo Điện lực Vân Đồn kiểm điểm nghiêm khắc tập thể và cá nhân có liên quan. Trước mắt, yêu cầu tạm thời đình chỉ Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Vân Đồn và yêu cầu điện lực các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát lại công tác ghi chỉ số công tơ để phát hiện kịp thời những bất thường, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.

Cũng liên quan tới việc ghi nhầm chỉ số điện, trước đó, tại tỉnh Quảng Bình, một hộ gia đình cũng đã khiếu nại về việc lượng điện tiêu thụ trong tháng 6 tăng cao, số tiền mà hộ gia đình phải trả lên tới 58,5 triệu đồng... So với tháng trước, số tiền điện mà hộ phải trả tăng gấp hơn 100 lần. Sau khi rà soát, phía điện lực xác nhận có sai sót trong quá trình ghi chỉ số công tơ.

Sai sót của ngành điện trong hai trường hợp nêu trên cho thấy lỗ hổng lớn đối với việc ghi hóa đơn và thông báo hóa đơn tiền điện của ngành điện. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao tiền điện tăng cao gấp cả trăm lần so với lượng tiêu thụ bình thường mà ngành điện vẫn phát hành hóa đơn? Cùng với đó, thực sự có bao nhiêu khách hàng bị tăng tiền do “ghi nhầm” như trên, có thể sai số chỉ vài trăm nghìn, rất khó phát hiện, nhất là trong điều kiện nắng nóng làm lượng điện tiêu thụ tăng vọt. Theo thống kê của EVN đến ngày 20-6 cho thấy, đã có hơn 7,22 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5-2020. Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng hơn 50% là hơn 4,4 triệu, thậm chí, có hơn 326.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng hơn 300% so với tháng trước đó.

Phúc tra 100% khách hàng có sản lượng tiêu thụ tăng từ 1,3 lần trở lên

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những vấn đề liên quan đến việc ghi chỉ số công tơ điện, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) Lê Văn Trang thừa nhận: Vẫn còn tình trạng ghi nhầm chỉ số tiêu thụ điện, tuy nhiên, con số này không nhiều. “Hiện tại đang có hai loại công tơ được sử dụng là công tơ điện tử và công tơ cơ. Với công tơ điện tử, dữ liệu dùng điện có thể cập nhật liên tục. Khách hàng chỉ cần vào website chăm sóc khách hàng của điện lực khu vực để theo dõi và giám sát. Với công tơ cơ, công nhân điện vẫn phải trèo thang, ghi số trực tiếp. Khi đó, không thể tránh được sai sót do đọc sai, ghi ẩu, nhầm lẫn”, ông Lê Văn Trang cho biết.

Liên quan tới các kiến nghị về chỉ số công tơ điện, ông Nguyễn Trọng Phụng, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNNPC nêu rõ: EVNNPC xử lý rất nghiêm những trường hợp ghi sai, ghi không đúng số lượng điện năng tiêu thụ. Những thắc mắc của khách hàng đều được Trung tâm Chăm sóc khách hàng tiếp nhận và chuyển ngay đến điện lực các tỉnh, thành phố, quận, huyện. Theo quy định của EVNNPC, trong thời gian không quá 24 giờ, tất cả trường hợp khách hàng thắc mắc về chỉ số công tơ đều được kiểm tra và giải đáp thỏa đáng. "Sau khi ngành điện phản hồi, khách hàng đều đánh giá đã thỏa đáng và không có thắc mắc thêm”, ông Nguyễn Trọng Phụng cho biết.

Liên quan tới phản ánh về các trường hợp ghi sai chỉ số công tơ điện tại Quảng Bình, Quảng Ninh… ngày 23-6, EVN đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các tổng công ty điện lực kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan tới việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số. Đáng chú ý, để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, EVN yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% khách hàng có sản lượng tiêu thụ tăng đột biến từ 1,3 lần trở lên so với tháng trước liền kề. Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hóa đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định (có thông báo cụ thể và biên bản làm việc với khách hàng). Cùng với đó, nghiêm túc thực hiện lịch ghi chỉ số, gửi thông báo tiền điện, hóa đơn tiền điện theo mẫu mới đến khách hàng qua thư điện tử, các ứng dụng như Zalo, chăm sóc khách hàng để người dân chủ động so sánh việc sử dụng điện với các tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu sử dụng điện của người dân có thể còn tiếp tục tăng cao do thời gian tới dự báo có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. Điều này đồng nghĩa với sản lượng tiêu thụ điện của nhiều gia đình sẽ có biến động. Chính vì vậy, để tạo được sự yên tâm cho khách hàng, ngành điện phải nhanh chóng tăng cường các giải pháp minh bạch, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc ghi chỉ số công tơ để phát hiện kịp thời những trường hợp có sản lượng điện tăng bất thường. Về lâu dài, ngành điện phải đẩy mạnh việc sử dụng công tơ điện tử thay cho công tơ cơ và áp dụng thu thập dữ liệu từ xa, điều này sẽ góp phần khắc phục việc ghi sai, qua đó chuyên nghiệp hóa dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thiết yếu của người dân. Có như vậy, ngành điện mới tạo được sự tin tưởng từ khách hàng.

Đình chỉ công tác hai lãnh đạo điện lực tại Quảng Bình trong vụ ghi nhầm chỉ số điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) Ngô Tấn Cư đã quyết định đình chỉ công tác đối với ông Trần Xuân Công, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Quảng Bình và ông Thái Hồng Lĩnh, Giám đốc Điện lực Đồng Hới; đồng thời yêu cầu Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình xem xét xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp quản lý cán bộ. Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của EVNNPC với 13 công ty điện lực thành viên liên quan tới vụ việc ghi nhầm chỉ số công tơ tại Công ty Điện lực Quảng Bình, khiến số tiền điện ghi trong hóa đơn của một hộ gia đình lên tới 58,5 triệu đồng, gấp hơn 100 lần so với tiền điện thực tế. 

Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư đánh giá, hiện nay, quy trình kinh doanh của ngành điện rất chặt chẽ; hệ thống phần mềm quản lý công tác kinh doanh của EVNCPC cũng được trang bị đầy đủ các tính năng hữu ích, giúp cảnh báo sớm các trường hợp bất thường về sử dụng điện. Tuy nhiên, sự cố tính nhầm hóa đơn tiền điện khách hàng tại Quảng Bình vẫn xảy ra, nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan của các cá nhân và sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu các bộ phận và đơn vị.

NAM TRỰC

VŨ DUNG