QĐND - Sau hàng nghìn ca thử nghiệm thành công trên cả người lớn và trẻ em, tháng 8-2012, lần đầu tiên vắc-xin Rotavin-M1 phòng bệnh tiêu chảy được chính thức sản xuất và đưa ra thị trường, đánh dấu thành tựu to lớn của ngành y học dự phòng nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung.
Vào thời điểm năm 1998, bệnh tiêu chảy do vi-rút rota bùng phát mạnh với với tỷ lệ trẻ mắc bệnh lên tới 50-70%. Trước nhu cầu cấp bách đặt ra là phải sản xuất vắc-xin phòng bệnh để giảm tối đa số ca tử vong, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (trung tâm) đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin này.
 |
Kiểm tra chất lượng vắc-xin.
|
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Luân cho biết: Thời điểm đó, trên thế giới chưa có nước nào sản xuất được vắc-xin phòng rota. Đến năm 2001, khi đã cơ bản nắm được các chủng vi-rút rota đang lưu hành trong nước, trung tâm đã quyết định phải tự tạo được chủng giống - chủng vi-rút rota ứng cử viên cho sản xuất vắc-xin rota. Đây được xem là một điểm nhấn quan trọng quyết định đến sự thành công trong tiến trình sản xuất vắc-xin Rotavin-M1 của Việt Nam. Bởi khi nào có chủng giống thì có thể lập tức sản xuất ngay vắc-xin, trong khi nếu chờ đợi vào chủng giống do nước ngoài cung cấp thì phải mất ít nhất 15 đến 20 năm.
Năm 2005, trung tâm đã tạo được toàn bộ chủng giống từ chủng vi-rút của người Việt. Đến năm 2008, nghiên cứu thành công được vắc-xin trong phòng thí nghiệm và chuyển sang giai đoạn thử nghiệm trên lâm sàng. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu thử nghiệm trên loài khỉ. Sau giai đoạn thử nghiệm thành công trên động vật, vắc-xin được chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Do là vắc-xin thử nghiệm nên việc chọn được người tham gia thử nghiệm không hề đơn giản. Sau khi được thử nghiệm lâm sàng trên 30 người lớn, 1000 trẻ em từ 6 đến 12 tuần tuổi tại Thanh Sơn (Phú Thọ) và thành phố Thái Bình, kết quả cho thấy vắc-xin Rotavin-M1 an toàn trên cả người lớn và trẻ em, tương đương với vắc-xin Rotarix của Bỉ đang được lưu hành ở nước ta.
Việc sản xuất thành công vắc-xin Rota sử dụng hệ thống chủng giống thiết lập trên chủng nội địa với công nghệ cập nhật quốc tế mà không cần phải đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại được coi là bước tiến quan trọng trong ngành y học dự phòng của Việt Nam. Với việc sản xuất thành công vắc-xin Rotavin-M1, Việt Nam đã trở thành nước thứ tư trên thế giới và nước thứ hai ở châu Á (sau Trung Quốc) sản xuất thành công vắc-xin phòng tiêu chảy do vi-rút rota. Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Luân khẳng định: “Chất lượng vắc-xin Rotavin-M1 do Việt Nam nghiên cứu sản xuất không hề thua kém bất cứ sản phẩm vắc-xin phòng tiêu chảy do Mỹ, Bỉ cung cấp. Vắc-xin Rota sản xuất tại Việt Nam có tính an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt trên trẻ từ 6 đến 12 tuần tuổi với hai liều cách nhau hai tháng, tương đương với vắc-xin Rotarix của Bỉ. Bên cạnh đó, với việc nghiên cứu thành công vắc-xin tiêu chảy trong nước sẽ giảm phụ thuộc vào các loại vắc-xin ngoại nhập, giá thành của của Rotavin-M1 chỉ bằng 1/3 giá thành các loại vắc-xin do nước ngoài sản xuất.
Công trình nghiên cứu vắc-xin rota sống đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích với tên: Sáng chế “Quy trình tạo chủng giống gốc vi-rút Rota giảm độc lực để sản xuất vắc-xin ngừa bệnh tiêu chảy cấp”. Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Luân đánh giá: Với việc sử dụng vắc-xin này, Việt Nam sẽ giảm 5.300-6.800 ca tử vong hằng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do vi-rút rota, tiết kiệm hàng triệu USD cho chi phí điều trị bệnh tiêu chảy do vi-rút rota ở Việt Nam.
Bài, ảnh: NGŨ HIỆP