Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm; nâng cao năng lực tự chủ, tự cường và khả năng chống chịu của nền kinh tế-đó là mục tiêu trong năm 2023 của Việt Nam và những năm tiếp theo.

Nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là áp lực từ bối cảnh thế giới, nhưng 11 tháng qua, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Điểm sáng nổi bật là kim ngạch xuất, nhập khẩu 11 tháng đã vượt cả năm 2021; xuất siêu đạt hơn 10 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt 0,6 tỷ USD; vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD (cao nhất cùng kỳ 11 tháng của 5 năm qua); thu ngân sách nhà nước vượt hơn 16% dự toán. Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế 11 tháng đạt gần 3 triệu lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) phục hồi tốt. Đăng ký doanh nghiệp (DN) tiếp tục khởi sắc, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường 11 tháng đạt gần 195.000 DN, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định. Ảnh: QUANG NAM

Với kết quả đã đạt được, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay. Trong ấn bản bổ sung định kỳ của Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2022 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á công bố ngày 14-12, cho thấy, ADB đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á, tuy nhiên nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 lên mức 7,5%. Dự báo lạm phát năm 2022 được điều chỉnh xuống còn 3,5%. Trong Báo cáo điểm lại tháng 8-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Tương tự, Moody đánh giá rất tích cực đối với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 8,5%-cao nhất so với các nền kinh tế trong khu vực. Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV cũng cho thấy, dự kiến tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% so với mục tiêu 6-6,5% đã đề ra.

Còn nhiều thách thức

Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong năm 2022 nhưng cả giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, năm 2023 được xác định là năm bản lề quyết định để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025. Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đề cập tới thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, ý kiến của các chuyên gia cho thấy, đó là vấn đề lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực trên toàn cầu... Ở góc độ khác, khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Tuy nhiên, phải thấy rằng, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều yếu tố trợ lực cho tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và mức tăng trưởng cao năm 2022 chính là dư địa cho điều hành chính sách năm tới; thu ngân sách đạt kế hoạch, lạm phát được kiểm soát tốt tạo điều kiện điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ; những chính sách hỗ trợ DN trong nước đang được các cơ quan của Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và ban hành...

Về động lực cho nền kinh tế trong năm 2023, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cho rằng, đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Song, để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất, dòng vốn cho đầu tư công phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực. Còn ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào cho rằng, trái phiếu, bất động sản cần sớm ổn định, chính sách tài khóa cần linh hoạt hơn, cần ưu tiên hơn nữa kết hợp với chính sách tiền tệ. Đặc biệt, Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn để nâng cao năng suất lao động, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nâng cao tay nghề và kỹ năng của người lao động.

 Ngày 17-12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” chính thức diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội và đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, lãnh đạo DN, tập đoàn kinh tế lớn...

Diễn đàn được triển khai với mục đích tập hợp ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế trong phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện về các kết quả, hạn chế tồn tại của kinh tế Việt Nam trong năm 2022; bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022. Đồng thời, giúp Chính phủ Việt Nam nhận diện cơ hội, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023, dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023.

MINH AN