Dư nợ tín dụng đạt hơn 400.000 tỷ đồng
Đáp ứng nhu cầu vốn cho khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, ngoài 14 chi nhánh NHNN với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, mạng lưới ngân hàng hoạt động tại khu vực đã được mở rộng đến 176 chi nhánh cấp 1; 151 quỹ tín dụng nhân dân và 1.052 chi nhánh trực thuộc, phòng giao dịch. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có 17 chi nhánh loại I đang hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh; Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với mạng lưới của 14 chi nhánh tỉnh, 127 phòng giao dịch cấp huyện, 2.566 điểm giao dịch cấp xã, thành lập 37.489 tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, bản. Tính đến hết tháng 7-2019, huy động vốn của toàn ngành ngân hàng trong khu vực đạt 381.603 tỷ đồng, tăng 9,08% so với năm 2018 (cao hơn so với mức tăng chung toàn quốc 6,87%), chiếm khoảng 4,5% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc. Dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018.
Hiện tại, ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, Agribank đang triển khai 4 chương trình chính sách (trừ cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và cho vay tái canh cà phê), 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại các địa bàn trọng điểm. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2019, Agribank dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng để cho vay mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp bách với mức cho vay tối đa 30 triệu đồng. Thủ tục nhanh gọn, hướng tới đối tượng khách hàng là bà con trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn nhằm góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
 |
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Agribank giúp Công ty Cổ phần Chè Cờ Đỏ Mộc Châu (Sơn La) phát triển sản xuất. Ảnh: MINH PHƯƠNG. |
Về chất lượng tín dụng, bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH luôn coi trọng và tập trung vào việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, làm tốt công tác thu nợ để tiếp tục tạo lập nguồn vốn cho vay mới. Tính đến ngày 31-8-2019, nợ quá hạn của NHCSXH trên khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc là 68 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ của khu vực và nợ khoanh là 26,5 tỷ đồng, chiếm 0,062% tổng dư nợ của khu vực.
Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Quốc Nhật, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chanh leo Mộc Châu chia sẻ: “HTX ra đời từ năm 2015 và được các ngân hàng tạo điều kiện rất thuận lợi ngay từ những ngày đầu thành lập. Nguồn vốn vay ưu đãi của HTX chủ yếu là từ Agribank và NHCSXH. Với nguồn vốn này, HTX đầu tư cho vật tư đầu vào, sản xuất giống cây trồng, phân bón, phương tiện vận tải phục vụ thu mua… Hiện tại, năng suất giá trị sản phẩm của HTX Chanh leo Mộc Châu ước đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, năm 2018 lợi nhuận đạt hơn 1,5 tỷ đồng...”.
Chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn
Bên cạnh những thành công đạt được, quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, như: Nguồn huy động tại địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn dẫn đến phải bố trí nguồn vốn điều hòa từ ngân hàng thương mại cấp trên và nguồn vốn từ các tổ chức tài chính tiền tệ khác; đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực thường gặp phải các rủi ro vì chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa đá, dịch bệnh diễn biến phức tạp; thiếu các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tín dụng chính sách xã hội đối với người dân tại khu vực mới chỉ dừng lại ở mức triển khai đối với một số đối tượng chính sách cụ thể, chưa có chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho hay, công tác cấp tín dụng tại địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp những vướng mắc: Chất lượng thông tin của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp, báo cáo tài chính không đủ độ tin cậy hoặc không qua kiểm toán độc lập nên chưa đáp ứng các điều kiện vay vốn. Quy mô vốn nhỏ, kinh nghiệm, khả năng quản lý nhiều hạn chế dẫn đến năng lực sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn còn nhiều mặt cần cải thiện. Đặc biệt, do địa bàn gặp nhiều khó khăn về vận chuyển, giao thương nên sức chịu đựng rủi ro của các doanh nghiệp thấp. Khi thị trường hoặc đối tác có biến động, việc tìm kiếm các đối tác, thị trường thay thế rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp.
Ổn định mặt bằng lãi suất cho vay
Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác tín dụng dành cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc thời gian tới, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: NHNN sẽ đồng bộ triển khai các giải pháp, như: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng ưu tiên cho vùng này, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chủ động nắm bắt tình hình kinh tế-xã hội, hoạt động của ngân hàng trên địa bàn để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường quản lý hoạt động của tổ chức tín dụng về những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; lồng ghép các chương trình chính sách tín dụng ngân hàng với các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trên mỗi tỉnh, huyện, phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương.
Tiếp đó, các tổ chức tín dụng cần triển khai hiệu quả, kịp thời chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của NHNN, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, người dân. Có chính sách điều hòa vốn phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, trong đó ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp cho các chi nhánh trên địa bàn để đầu tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách. Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, hiểu biết về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng do ngành ngân hàng triển khai để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin và cách thức tiếp cận vốn vay.
NGUYỄN ANH VIỆT