Trong đó, đại biểu Quốc hội cho rằng giải pháp căn cơ là khuyến khích người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, tái định hướng nghề nghiệp giúp duy trì việc làm, không để mất việc rồi mới đi đào tạo.

Đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) đặt vấn đề, trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng do chuyển đổi số, tự động hóa và tái cấu trúc ngành nghề, lực lượng lao động, đặc biệt là nhóm lao động trung niên, lao động giản đơn và người làm việc trong khu vực phi chính thức đang đối mặt với nguy cơ mất việc làm cũng như tụt hậu kỹ năng. Mặc dù chúng ta đã có những chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn việc làm, tham gia đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào trợ cấp thất nghiệp. Đại biểu Lý Anh Thư cho rằng, điều này mới đang giải quyết phần ngọn, trong khi chưa có cơ chế khuyến khích người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, tái định hướng nghề nghiệp một cách thường xuyên, liên tục để duy trì việc làm.

Cần giải quyết gốc rễ tình trạng người lao động thiếu kỹ năng nghề. Ảnh minh họa: vneconomy.vn 

Đánh giá phát triển kỹ năng nghề là nền tảng then chốt để tăng năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, cần chú trọng đến gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng như quy trình cập nhật định kỳ tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về việc Nhà nước khuyến khích và thiết lập cơ chế hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức thực tập, đánh giá kỹ năng nghề. Cần có quy định về việc doanh nghiệp sử dụng hơn 300 lao động trở lên có trách nhiệm phối hợp với ít nhất một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề.

Hiện nay, các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đang đóng vai trò nền tảng để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tạo việc làm một cách ổn định, bền vững cho người lao động. Để đạt được mục tiêu này cần chuyển đổi từ trợ cấp bị động sang đầu tư kỹ năng để giúp người lao động tìm được ngành nghề phù hợp với bản thân. Đồng thời cần gắn đào tạo kỹ năng nghề nghiệp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy cần xây dựng nền tảng công nghệ, kết nối giữa nhà tuyển dụng và nguồn nhân lực, từ đó tăng cơ hội để người lao động tiếp cận, tìm kiếm việc làm và bắt nhịp được với những yêu cầu mới của thị trường việc làm trong thời đại công nghệ số.

MẠNH HƯNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.