QĐND - Ngày 28-7-2011, Báo Quân đội nhân dân hằng ngày đăng bài “Xung quanh việc giải phóng mặt bằng tại phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội): Cần làm đúng chỉ đạo của Thành phố”. Bài báo phản ánh ý kiến của người dân liên quan đến vấn đề đền bù trong việc giải tỏa khu vực đất bờ sông Tô Lịch mà các hộ dân đang sinh sống.
Ngày 8-12-2011, Báo Quân đội nhân dân nhận được Công văn số 866/BCĐ-NV1 do ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban chỉ đạo GPMB Thành phố Hà Nội ký, về việc “Thông tin đến các báo về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bờ phải sông Tô Lịch đoạn qua phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân”. Nội dung công văn nêu rõ: “…Căn cứ hồ sơ về đất đai hiện đang lưu giữ tại phường Hạ Đình và báo cáo của UBND phường Hạ Đình cho thấy: Năm 1997, khi thành lập quận Thanh Xuân, xã Khương Đình của huyện Thanh Trì được chuyển về quận Thanh Xuân. Xã Khương Đình khi về quận Thanh Xuân được tách và chuyển đổi thành 2 phường là Khương Đình và Hạ Đình. Theo hồ sơ quản lý đất đai của phường Hạ Đình (bản đồ đo vẽ năm 1990, sổ địa chính xã Khương Đình lập năm 1994) các trường hợp thu hồi đất tiếp giáp với phường Thượng Đình (khu vực các hộ dân kiến nghị) để thực hiện dự án thoát nước Hà Nội-Dự án II có nguồn gốc là đất chuyên dùng (mục đích sử dụng lưu không bờ sông diện tích 1.570m², trong sổ quản lý viết tắt là “Lưu Kb sông”; chủ sử dụng đất là UBND). Tại tờ bản đồ số 7 xã Khương Đình, thôn Thượng Đình đo vẽ tháng 12-1990 do Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Trì ký xác nhận phù hợp với sổ địa chính tại quyển số 3 lập ngày 26-7-1994 có xác nhận (ký, đóng dấu của Chủ tịch UBND xã Khương Đình) ghi là đất chuyên dùng, mục đích sử dụng lưu không bờ sông.
Theo hồ sơ quản lý tại UBND phường Hạ Đình (bản đồ địa chính xã Khương Đình đo 1990, sổ địa chính xã Khương Đình) thì năm 1990 trên bản đồ khu đất tại ngõ 117 Khương Đình là khu đất trống, chưa có nhà ở. Theo quy định về việc lập hồ sơ địa chính, những trường hợp đất có nguồn gốc hợp pháp, được hội đồng xã xét duyệt mới được đưa vào sổ địa chính, do vậy khi lập sổ địa chính năm 1994 khu vực bị giải phóng mặt bằng có nguồn gốc là đất chuyên dùng, nên các hộ không được đưa tên vào sổ địa chính.
Trong giai đoạn từ năm 1991-1994, một số hộ gia đình có đơn xin xây dựng nhà ở, xã Khương Đình đã xác nhận (có đóng dấu) căn nhà các hộ chuyển nhượng là nhà nằm trên đất do xã quản lý; đồng thời năm 1991, UBND xã Khương Đình đã có văn bản xử lý đất lưu không bờ sông đối với một số hộ gia đình trong đó có ghi nhận cho các hộ được sử dụng tạm thời một phần diện tích đất tại khu vực lưu không bờ sông trong thời gian Nhà nước chưa lấy đến, khi nào Nhà nước cần sử dụng, gia đình phải tự dỡ bỏ trả đất cho Nhà nước không điều kiện (UBND phường Hạ Đình vẫn còn lưu hồ sơ của một số hộ dân)…
Theo xác nhận của phường Hạ Đình, đất tại khu vực các hộ bị GPMB là đất có nguồn gốc là đất chuyên dùng, mục đích sử dụng là lưu không bờ sông, do đó đất các hộ tự chuyển đổi làm nhà ở, đất ở theo quy định khi bị thu hồi đất các hộ không được bồi thường, hỗ trợ theo giá đất ở và cũng không phải đất nông nghiệp trong khu dân cư, không phải đất vườn ao không được công nhận là đất ở. Theo Văn bản số 310 ngày 29-1-2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết vướng mắc khi thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP, các hộ không đủ điều kiện được hỗ trợ số tiền bồi thường hỗ trợ nhỏ hơn giá trị căn hộ tái định cư tối thiểu (45m²). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác GPMB của dự án, để quan tâm đến quyền lợi của các hộ dân tương tự như một số dự án đã và đang triển khai trên địa bàn, quận Thanh Xuân trình và được UBND TP chấp thuận cho phép vận dụng Điều 21 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND để áp dụng chính sách hỗ trợ về đất cho các hộ (Văn bản số 4216/UBND-TNMT ngày 10-6-2010, văn bản số 7287/UBND-TNMT ngày 14-9-2010).
Căn cứ diện tích đất bị thu hồi được hỗ trợ theo giá đất ở, căn cứ cơ cấu, diện tích quỹ nhà tái định cư của dự án, UBND quận Thanh Xuân phê duyệt quy chế bắt thăm căn hộ tái định cư. Hộ dân phải trả tiền mua căn hộ theo giá quy định của UBND TP Hà Nội. Đối với các trường hợp số tiền mua nhà lớn hơn số tiền được bồi thường hỗ trợ về đất và tài sản trên đất theo phương án được duyệt, nếu có đơn đề nghị được trả chậm số tiền còn thiếu sẽ được giải quyết theo quy định của thành phố.
Còn về nội dung phản ánh của công dân có liên quan đến việc cán bộ giải phóng mặt bằng của quận Thanh Xuân cung cấp một văn bản nhưng có nội dung khác nhau (Tờ trình số 306/TTrLN-BCĐ ngày 17-5-2010), Thanh tra quận tiếp tục tiến hành kiểm tra, xác minh.
Báo Quân đội nhân dân hoan nghênh sự thông tin kịp thời của Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố Hà Nội và đề nghị UBND quận Thanh Xuân tiếp tục xem xét, giải quyết đền bù, tái định cư cho người dân trên cơ sở quy định của Nhà nước. Đồng thời, tiến hành xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc theo thẩm quyền, cũng như quy định của pháp luật./.
QĐND