QĐND - Chùa Chân Long Tự, xã Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) có tuổi đời gần 400 năm, lưu giữ 62 pho tượng cổ, trong đó có 3 pho tượng đá cổ. Đây là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1991, nhưng hiện nay một số hạng mục công trình, tượng cổ bị thêm vào và thay mới, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và đang gây bức xúc cho dư luận ở địa phương.

Tượng cổ, bát hương cổ đi đâu?

Sáng 14-11, khi chúng tôi có mặt tại chùa Chân Long Tự (chùa Chàng Sơn), người dân kéo đến mỗi lúc một đông. Ngoài một số băng rôn với nội dung “trả tượng cổ, bát hương cổ cho chùa tôi”… mà chúng tôi thấy, nhiều người dân rất muốn trình bày những bức xúc của họ những ngày qua. Từ sân Tam Bảo, chúng tôi nhìn thấy một căn nhà cấp 4 lợp prô-xi-măng với cửa xếp sắt sát vào cổng phụ của chùa. Theo người dân, đây là ga-ra ô tô và để lấy chỗ làm ga-ra này, một cây bàng cổ đã bị chặt. Ngay đầu đốc nhà Tam Bảo là một nhà vệ sinh bê tông cốt thép. Tại Ban thờ ở sân Tam Bảo, hai chiếc ngà voi lớn uốn cong được trang trí cùng với Phật Quan Thế Âm Bồ Tát. Hai bên bậc tam cấp dẫn lên Ban Tam Bảo là hai con rồng xi măng màu sắc sặc sỡ, mà theo người dân trước kia là hai con rồng bằng đá xanh. Hàng chục pho tượng gỗ màu vàng bóng, không rõ nguồn gốc cũng đang được để trong nhà Tứ Ân. Tại nhà thờ tổ, nơi để tượng Vua cha Ngọc Hoàng chỉ còn lại cái đế.

Tượng cổ Vua cha Ngọc Hoàng trước đây (hiện nay chỉ còn là 2 bao tải đầy trấu và đất).

 

Bà Phí Thị Giao (87 tuổi), một người dân ở thôn Bái, bức xúc: “Năm 2012, khi phát hiện tượng Vua cha Ngọc Hoàng, một tượng cổ cao khoảng 1,3m, niên đại gần 400 năm tại nhà thờ tổ biến mất, chúng tôi có hỏi nhà chùa thì được cho biết đã cho đi “tắm” tại sông Tây Ninh vì tượng bị hư hỏng nặng. Ngoài ra mấy chục bát hương cổ cũng được thay bằng bát hương mới mà nhân dân chúng tôi không hề được hỏi ý kiến”.

Ông Nguyễn Đức Hải ở thôn 5 cho chúng tôi biết: “Ngày 5-11 vừa qua, một bức tượng mới bằng đồng nặng khoảng 350kg, không rõ nguồn gốc, được sư trụ trì Thích Minh Phượng đặt lên và chuẩn bị hành lễ hô thần nhập tượng. Điều đáng nói là bức tượng đồng này lại khá giống với vị sư trụ trì, may mà chính quyền địa phương và người dân yêu cầu quyết liệt nên sư trụ trì đã cho chuyển đi nơi khác”.

Để làm rõ những phản ánh của người dân, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với sư trụ trì Thích Minh Phượng, nhưng nhà sư không nghe máy. Theo người dân thì từ ngày 5-11 sư trụ trì đã rời khỏi chùa và đến nay chưa trở về.

Chờ hướng giải quyết từ cơ quan chức năng

Được biết, ngày 23-10 vừa qua, sư trụ trì Thích Minh Phượng có đơn báo cáo chính quyền việc được một doanh nghiệp cung tiến pho tượng Trần Nhân Tông bằng đồng và “xin được mang vào để cúng ngài”. Sáng 24-10, UBND xã thành lập tổ công tác, đến nơi đã thấy tượng được đặt tại vị trí chính giữa của Ban Tam Bảo. Hồi 11 giờ 30 phút ngày 5-11, trước sức ép của dư luận địa phương và sự vào cuộc của chính quyền xã, huyện, bức tượng đồng nặng khoảng 350kg đã được đưa ra khỏi chùa. Ban đầu tượng được để ở ngã ba đường để đợi xe mà sư trụ trì nói đã hẹn đến chở tượng đi, nhưng phải đến 2 tiếng sau vẫn không thấy chiếc xe nào trong khi nhiều người dân hiếu kỳ đứng lại xem gây tắc nghẽn cả tuyến đường chợ Chàng. Trước tình hình ấy, UBND xã đã chuyển bức tượng vào trong sân trụ sở cho đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, tượng mới được chở đi. Trước đó, vào cuối năm 2010, cũng tự làm theo ý mình, sư trụ trì đã đưa 8 pho tượng mới vào chùa và chuyển 3 pho tượng đồng của chùa đi; tháng Chạp năm 2011 thì dồn hàng chục pho tượng của chùa vào 2 gian nhà đầu hồi và đưa 16 pho tượng mới vào thế chỗ.

Rồng xi măng đã thay thế cho rồng đá xanh cổ.

 

Đối với tượng cổ Vua cha Ngọc Hoàng, ngày 12-5-2012, UBND huyện Thạch Thất và UBND xã Chàng Sơn đã yêu cầu nhà chùa đúng 7 giờ cùng ngày phối hợp trục vớt tượng cổ. Thế nhưng, 6 giờ, nhà chùa đã cho vớt trước 2 bao tải mà phía trong được cho là toàn đất và trấu, tập kết trên bờ sông Tây Ninh rồi điện thoại cho lãnh đạo ra nhận lại cổ vật và lập biên bản. Người dân địa phương rất bức xúc, liệu trong hai bao tải đó có phải là tượng cổ do ngâm nước lâu ngày mà mủn ra hay không? Hai bao tải này hiện vẫn đang được bảo quản tại trụ sở công an xã, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định thực hư ra sao!

Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chàng Sơn nói với chúng tôi: “Năm 2010, UBND xã giao cho Mặt trận Tổ quốc xã tu sửa chùa khỏi dột, chính tôi là người làm hợp đồng thuê thợ di chuyển ngài ra chỗ khác, đến khi tu sửa xong lại di chuyển ngài về. Tôi thấy ngài không hề có vết nứt, trông chắc chắn, bóng đẹp. Lý do tượng bị vỡ, hư hỏng nặng để mang đi “tắm” sông thật khó tin, đề nghị làm rõ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết: Từ năm 2011 đến 2013, UBND xã đã 8 lần lập biên bản với sư trụ trì chùa Chàng Sơn bởi hành vi “tự ý thay đổi di tích” kiểu “tiền trảm hậu tấu”, trong đó 3 lần mang tượng mới vào thay thế tượng cũ và 5 lần tự ý xây dựng một số công trình kiến trúc mới làm thay đổi hiện trạng chùa. Đối với một di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, việc đưa hiện vật vào hoặc ra đều phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. Trước những vi phạm trên của nhà chùa, UBND xã đã báo cáo các cấp có thẩm quyền”.

Theo một cán bộ thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, chiều 13-11 vừa qua, Thanh tra Sở và các ban ngành chức năng của huyện đã họp tại UBND huyện Thạch Thất nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến sự kiện chùa Chàng Sơn. Để bảo vệ một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia khỏi bị xâm hại, người dân xã Chàng Sơn rất mong các cơ quan chức năng của huyện Thạch Thất và TP Hà Nội khẩn trương làm rõ những sai phạm tại ngôi chùa cổ và có giải pháp khắc phục kịp thời.

Bài, ảnh: KIM DUNG