QĐND Online – “Đây chỉ mới là dự thảo về tuyển sinh trong từng cấp học nhằm lấy ý kiến tham khảo xem có phù hợp hay không. Chúng tôi chưa hề đưa ra kế hoạch chính thức về việc tuyển sinh vào lớp 1…”, đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Mai Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học B Thị trấn Văn Điển, trước tình trạng một số người dân thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội "quây" nhà trường đòi có trả lời cụ thể về việc chỉ nhận 30 học sinh lớp 1 có hộ khẩu tại xóm 7B vào học.
 |
Người dân thôn Yên Ngưu tụ tập đông trước cổng trường Tiểu học B Thị trấn Văn Điển đòi trường có câu trả lời cụ thể về việc tuyển sinh lớp 1 |
Thiếu lớp, trường dự kiến tuyển ít học sinh
Bức xúc với lời hứa của lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, xã Tam Hiệp trước khi xây dựng trường trên đất của thôn Yên Ngưu là sẽ ưu tiên cho con em trong thôn vào học tại trường nhưng năm 2012, trường lại có bản dự thảo chỉ nhận 30 cháu có hộ khẩu tại thôn vào học, chị Nguyễn Thị Hoa (xóm 8, Yên Ngưu) đại diện một số phụ huynh cho rằng: nhà trường cần có trách nhiệm trả lời lý do vì sao lại đưa ra chỉ tiêu mâu thuẫn với tiêu chí ban đầu đặt ra khi xây trường.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mai Anh lý giải: số phòng học của trường ít, trong khi số lượng học sinh ngày càng đông. Hàng năm, trường tuyển sinh trên địa bàn khu tập thể: 105, Phân Lân, Quốc Bảo, Yên Ngưu, thôn Yên Ngưu. Số lượng phòng học khi xây dựng là 18 lớp, hiện nay do số lượng học sinh tăng, đã lên thành 21 lớp. Nếu năm nay tuyển thêm 4 lớp 1, con số này sẽ tăng lên thành 22 lớp. Như vậy không đảm bảo cơ sở vật chất cho dạy và học.
Đây mới chỉ là bản dự thảo đưa ra ý kiến năm nay học sinh thôn Yên Ngưu có khả năng tuyển ít, chưa có công bố chính thức nhưng người dân đã sốt ruột và kết luận vội vàng, gây nên những bức xúc, hiểu lầm.
Chị Dương Thị Lan (xóm 7A, Yên Ngưu) cũng như nhiều phụ huynh khác đều có nguyện vọng con em mình được đến học tại ngôi trường xây dựng trên đất của thôn. Họ cho biết: số trẻ có nhu cầu vào học lớp 1 khoảng 100 cháu, nếu trường chỉ tuyển có 30 chỉ tiêu, những học sinh còn lại sẽ học thế nào?
Trước những đòi hỏi quyền lợi của nhân dân, bà Nguyễn Thị Mai Anh đã tiếp nhận ý kiến và có bản tường trình đề nghị UBND huyện Thanh Trì, Phòng GD và ĐT huyện Thanh Trì giải quyết thỏa đáng với kiến nghị của nhân dân trong thời gian sớm nhất.
 |
Cùng làm đơn kiến nghị gửi UBND và Phòng GD huyện |
Không có chuyện tuyển sinh trái tuyến
Phản hồi trước thông tin trường chỉ tuyển 30 chỉ tiêu trong thôn nhưng lại nhận hồ sơ của học sinh trái tuyến, bà Nguyễn Thị Mai Anh khẳng định: không hề có việc tuyển sinh trái tuyến, ngày 1-7 trường mới bắt đầu tuyển sinh.
Năm nay, trường tuyển 4 lớp 1, trung bình mỗi lớp có 47 học sinh. Chỉ tiêu cụ thể tại từng địa bàn sẽ được thông báo công khai trước ngày 1-6, sau khi có kế hoạch tuyển sinh của huyện.
Ông Phạm Hồng Ngát, chuyên viên Phòng GD và ĐT huyện Thanh Trì cho biết: theo chỉ đạo của Sở, kế hoạch tuyển sinh các cháu trường mầm non trên địa bàn đã dự thảo chi tiết đến từng cấp học, từng trường. Hiện, đang đợi ý kiến cuối cùng của hội đồng tuyển sinh huyện Thanh Trì, cũng như lãnh đạo UBND huyện.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Sở về “3 tăng 3 giảm” (giảm quy mô số lớp trong 1 trường quá đông, giảm sĩ số học sinh trên mỗi lớp theo quy định điều lệ trường học), năm ngoái số học sinh của trường Tiểu học B Thị trấn Văn Điển đã đông, nếu không phân tuyến học sinh, ngay lập tức sẽ vượt lên con số 50 học sinh/lớp.
Quan điểm của huyện là đảm bảo 100% học sinh trên địa bàn huyện Thanh Trì đều có chỗ học. Để đảm bảo quyền lợi đầu tiên của các em là không phải học trong điều kiện chen chúc, học sinh tiếp thu bài giảng hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn còn có trường Tiểu học Tam Hiệp, tỉ lệ học sinh/lớp thấp hơn (khoảng 35 em/lớp). Do đó, huyện có kế hoạch phân luồng bớt để các em học sinh trong độ tuổi đến trường vào học tại trường tiểu học Tam Hiệp (cũng là trường đạt chuẩn Quốc gia như trường Tiểu học B Thị trấn Văn Điển).
Việc phân tuyến để đảm bảo quyền lợi của học sinh khi ra lớp, không có một trường hợp nào tuyển sinh trái tuyến ở đây. Sở dĩ có tình trạng 2 trường đạt chuẩn Quốc gia trên cùng địa bàn nhưng lại có số lượng học sinh trên lớp khác nhau là do dân cư trên địa bàn thôn Yên Ngưu tăng đột biến do di dân cơ học. Bên cạnh đó tâm lý phụ huynh đều muốn con học gần nhà (đi vài trăm mét là tới trường), trong khi trường tiểu học Tam Hiệp đi xa hơn (khoảng 1km), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mai Anh cho biết thêm.
Vấn đề tuyển sinh đầu cấp khá nhạy cảm, nhân dân cần nắm rõ nguyên nhân, không nên quá sốt ruột và nghe những thông tin không chính thức, để gây hoang mang, bức xúc. Đến giờ phút này, chúng tôi chưa có kế hoạch phân tuyến cho khu vực này là bao nhiêu, đây mới chỉ là dự thảo để lấy ý kiến các cán bộ quản lý, các ban ngành để đi đến quyết định, ông Phạm Hồng Ngát khẳng định.
Tuy nhiên, trước những bức xúc của nhân dân, lãnh đạo phòng Giáo dục huyện, cũng như nhà trường khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến phản ánh để báo cáo huyện, kịp thời có những điều chỉnh hoặc có biện pháp phân tuyến hợp lý để phụ huynh thuận lợi trong việc cho con học.
Bài, ảnh: Thu Hà
Người dân thôn Yên Ngưu phản đối “dự thảo” tuyển sinh lớp 1