Lợi ích kinh tế và uy tín quốc gia

 Sau khi đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022, hoạt động xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 của nước ta tiếp tục thu được những kết quả tích cực. Theo liên bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 7 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Theo tính toán, 5 tháng còn lại của năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 2,67 triệu tấn gạo.

leftcenterrightdel
Thu hoạch lúa ở An Giang. Ảnh: CÔNG MẠO 

Đặc biệt, giá trị hạt gạo Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng khá cao ở nhiều thị trường với các chủng loại gạo thơm và gạo chất lượng cao mà ta có thế mạnh. Hiện giá xuất khẩu một số chủng loại gạo đã vượt mốc 600 USD/tấn, thiết lập mốc kỷ lục trong 11 năm qua và giá thóc gạo hàng hóa duy trì ở mức cao, bảo đảm lợi ích cho người nông dân. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo. Cụ thể, gạo trắng thường tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 55,5%; tiếp đến là loại gạo thơm chiếm 24,2%; gạo nếp đứng thứ ba với 8,5%; gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu.

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, giá gạo xuất khẩu tăng đã đem lại niềm vui cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý. Trong khi đó, mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong "rổ" tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì vậy, cần phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. Gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ... Đề cập tới vấn đề xuất khẩu gạo, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung gạo trên thế giới khan hiếm hiện nay, điều quan trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam là phải bám sát thị trường, làm ăn tử tế, trách nhiệm; đừng quá đặt lợi ích ngắn hạn mà phải tìm cách giữ được bạn hàng.

leftcenterrightdel

Bốc xếp gạo tại chợ gạo Bà Đắc, xã An Cư (Cái Bè, Tiền Giang). Ảnh: NGUYỄN KIỂM 

Có cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, trên thế giới, số quốc gia có thể sản xuất gạo đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu được không nhiều, Việt Nam là một trong số đó. Những quốc gia này không chỉ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực của người dân nước mình, mà còn giữ vai trò, trọng trách lớn đối với thị trường gạo toàn cầu. Chính vì vậy, theo TS Võ Trí Thành, bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong bảo đảm hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần duy trì nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia. “Nhiều bài toán đặt ra ở thời điểm hiện tại và Bộ Công Thương đang nỗ lực hài hòa lợi ích của các bên. Một mặt bảo đảm an ninh lương thực trong nước trong mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô; mặt khác vẫn tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, gắn với giữ chất lượng sản phẩm, bảo đảm thương hiệu gạo Việt Nam. Đây là hướng đi đúng, hợp lý”, TS Võ Trí Thành đánh giá.

Cần giữ vững chất lượng và thương hiệu sản phẩm 

 Hơn 30 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam đang ngày càng vươn xa, khẳng định vai trò, vị thế của mình trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới. Nhưng thực tế cho thấy, ở trong nước, sản xuất lúa gạo quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường.

leftcenterrightdel

 Bốc xếp gạo tại nhà máy của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long. Ảnh: KIÊN ĐÔ 

Để bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu gạo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tới sự hợp tác giữa các bộ, ngành; giữa bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội; giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững. Cụ thể, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học-công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường;... Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo để họ chuyên tâm vào sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; đồng thời, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ... với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm của những nước nhập khẩu.

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.