* Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được nâng lên
Vừa qua, Chính phủ đã có những nhìn nhận lại về bối cảnh kinh tế mới, có những chính sách nhanh và linh hoạt hơn. Chính phủ vẫn nhấn mạnh ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm, qua đó tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Cùng với định hướng lớn về tái cơ cấu kinh tế là việc đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới và sáng tạo... Nhờ đó, ngay trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới, môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam vẫn được cải thiện; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài rất tích cực.
 |
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung. |
Tăng trưởng kinh tế cao trong hai quý đầu năm giúp giảm đáng kể áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm. Quan trọng hơn, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định đà tăng trưởng. Việt Nam bước đầu thể hiện được năng lực ứng phó với các biến động bất lợi từ thị trường thế giới.
Trong quý IV, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn còn diễn biến khó lường; thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, tiến triển trong quá trình đàm phán/phê chuẩn một số hiệp định thương mại tự do mới có thể củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam. Trước những phân tích như trên, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,88%, cao hơn con số 6,71% của lần dự báo trước vào tháng 7-2018; tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%. Chúng ta cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động; đẩy nhanh giảm chi thường xuyên gắn với tinh giản đáng kể đội ngũ công chức, viên chức; linh hoạt trong việc điều hành giá để kiểm soát lạm phát…
VŨ DUNG (ghi)
* Ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam:
Nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic (hậu cần)... Giảm chi phí giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, từ đó tác động chung đến nền kinh tế đất nước. Nhìn một cách trực tiếp, chi phí giảm giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã mạnh tay trong cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đây là giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Như đối với lĩnh vực logistic, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định về vận tải đa phương thức, trong đó đã cắt giảm, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà quan trọng hơn là giảm thời gian, góp phần giúp lĩnh vực này phát triển. Tôi đề nghị, các giải pháp này cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới bởi thực tế còn nhiều thủ tục, điều kiện cần được đơn giản hóa, cắt giảm. Về phía doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp logistic, song hành cùng với giảm chi phí, cần phải nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ, bảo đảm chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn. Muốn như vậy, có hai yếu tố quan trọng, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, theo kịp Cách mạng công nghiệp 4.0.
ĐỖ HƯNG (ghi)
* PGS, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 6,8% năm 2018
Nền kinh tế Việt Nam năm 2018 có nhiều triển vọng. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý III tăng trưởng tích cực ở mức 6,88%, con số này cao hơn mức tăng trưởng quý II (6,73%), xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng các quý trong năm 2018. Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tăng 6,98%, mức tăng 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011 với sự phục hồi vững chắc của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ (lần lượt đạt 3,65% và 6,89%) và sự tăng trưởng vượt bậc 8,89% tới từ công nghiệp. Với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của quý III, mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay.
Cùng với đó, chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý IV năm nay. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều thách thức, song đây cũng là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách, chuyển đổi thể chế theo hướng tạo lập nền kinh tế thị trường đầy đủ. Cùng với đó, Việt Nam cần nỗ lực tạo thêm dư địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu. Đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy Nhà nước và chống tham nhũng…
NAM TRỰC (ghi)