Những mô hình kinh tế tuần hoàn

Việc sử dụng trấu làm chất đốt trong sấy lúa tại Nhà máy Chế biến gạo Vĩnh Bình (Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Bình) giờ không còn xa lạ với người dân An Giang. Nhà máy với công suất 80.000 tấn/năm đã tạo ra 16.000 tấn trấu. Khoảng 50% (8.000 tấn trấu) trong số này được sử dụng vào việc sấy lúa cho Nhà máy, phần còn lại sẽ được ép thành thanh củi trấu bán ra thị trường... Nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu trấu sẵn có đã giúp giảm được 30% năng lượng tiêu thụ cho công đoạn sấy lúa, đồng thời đem về cho Nhà máy khoản lợi nhuận từ trấu. 1 tấn trấu sản xuất thành củi bán được 400.000 đồng. Như vậy, với 8.000 tấn trấu, trung bình Nhà máy thu 3,2 tỷ đồng/năm. Lượng tro từ sấy lúa có thể dùng để bón cho đồng ruộng, cải tạo đất. Điều đáng nói, nếu số trấu này không được tận dụng làm củi, thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ô nhiễm.

leftcenterrightdel
 Ủ rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò hoặc làm phân bón hữu cơ (Ảnh chụp tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội)- Ảnh NGỌC HÀ

Trên thực tế, nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng chất thải, phế thải trong chăn nuôi, trồng trọt đã được áp dụng từ lâu. Ví như rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò; phân trâu, bò được ủ để bón cho cây trồng. Trước đây, nền nông nghiệp nước ta nhỏ lẻ nên việc xử lý chất thải, phế phụ phẩm còn rất hạn chế. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nên lượng chất thải, phế phụ phẩm trong nông nghiệp cũng vì thế ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu về sử dụng để phục vụ đời sống và sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT) nhấn mạnh: "Nông nghiệp tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người".

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng, để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thì việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ giữ vai trò rất quan trọng, giúp tăng hiệu quả và sự thành công của nền nông nghiệp.

Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Khối lượng phụ phẩm hằng năm của ngành nông nghiệp nước ta hiện khoảng 156,8 triệu tấn, gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%); gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (chiếm 0,64%).

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay: Phụ phẩm nông, lâm, thủy sản ở nước ta có tiềm năng lớn, nhưng để có thể sử dụng bền vững, đa dạng, hiệu quả nguồn tài nguyên tái tạo này, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đồng bộ, tập trung trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất phân bón hữu cơ (cả phân bón hữu cơ truyền thống sử dụng tại chỗ và phân bón hữu cơ thương mại). Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ về lãi suất, thuế. Việc đầu tư công nghệ phù hợp để sản xuất phân bón hữu cơ, đệm lót sinh học cũng cần được chú trọng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: Hiện nay, lượng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp hằng năm rất lớn, nhưng số lượng phụ phẩm, chất thải được xử lý vẫn còn thấp so với yêu cầu. Vì thế, thời gian tới, Việt Nam cần phải xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời giúp gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp nước ta theo hướng xanh, hiện đại, bền vững.

Các mô hình kinh tế tuần hoàn phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt được xử lý để tạo ra khí sinh học, sau đó sử dụng làm chất đốt, phân hữu cơ (bùn biogas và bã biogas); sử dụng rơm rạ, mùn cưa để trồng nấm rơm, hoặc xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ để cải tạo đất, làm thức ăn cho gia súc... (Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). 

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM - ĐOÀN TẤT THẾ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.