QĐND - Để tránh tình trạng nông sản được mùa, mất giá và không còn tình trạng nông sản bị ùn tắc tại các cửa khẩu, năm nay thành phố Hà Nội và tỉnh Hải Dương đã có kế hoạch tiêu thụ quả vải thiều từ rất sớm trên thị trường Hà Nội. Một số doanh nghiệp Hà Nội đã cam kết đẩy mạnh việc tiêu thụ vải thiều cho nông dân Hải Dương.

Chia sẻ về sự hỗ trợ này, Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), bà Mai Khuê Anh, cho biết: Nhằm đưa vải thiều Hải Dương tới tay người tiêu dùng, Hapro đã tổ chức sự kiện công bố bán vải thiều Hải Dương tại 100 điểm bán lẻ của Hapro tại Hà Nội... Đồng thời, Hapro sẽ triển khai thêm một số hình thức và kênh phân phối khác như bán buôn tại một số chợ đầu mối, tiêu thụ hàng hóa qua hệ thống cửa hàng, nhà hàng, đại lý, khách sạn tập trung tại Hà Nội và khuyến khích cán bộ, công nhân viên của chính công ty tiêu thụ... Còn theo đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart, hệ thống bán lẻ này sẽ bao tiêu hơn 1.000 tấn vải thiều của tỉnh Hải Dương, gấp đôi so với năm ngoái.

Thể hiện rõ sự quan tâm hỗ trợ của thành phố Hà Nội đối với việc tiêu thụ nông sản cho bà con ở Hải Dương, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tiêu thụ vải thiều không chỉ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, mà còn ở các cửa hàng kinh doanh lưu động trên đường phố. Các phường, xã và ban quản lý chợ trên địa bàn sẽ bố trí các khoảng đất trống để doanh nghiệp, thương lái kinh doanh vải thiều của tỉnh Hải Dương về tiêu thụ. Đồng thời, yêu cầu ban quản lý các chợ đầu mối, các chợ kinh doanh trên địa bàn tuyên truyền, vận động tiểu thương hỗ trợ việc nhập vải thiều và các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương để tiêu thụ, phân phối đi các tỉnh lân cận và các chợ, điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, đại diện đa số doanh nghiệp ở Hà Nội cho rằng, để hoạt động tiêu thụ đạt hiệu quả cao nhất, người sản xuất và tỉnh Hải Dương cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo đảm chất lượng nguồn hàng, giá cả bán ra tại các vườn phải đồng nhất, để bảo đảm giá sản phẩm ổn định tại các điểm tiêu thụ. Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long, ông Nguyễn Thái Dũng cho rằng, rất khó nhận biết đâu là vải sạch, trồng đúng tiêu chuẩn VietGap khi mùa vải rộ, từ chợ, trung tâm thương mại đến mọi đường phố đều ngập tràn người bán. “Vì vậy, vùng trồng vải cần đầu tư bao bì, tem nhãn chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ vải. Giá bán có thể cao hơn nhưng chất lượng và sự đầu tư phải tương ứng”, ông Nguyễn Thái Dũng gợi ý.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, việc các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội tổ chức phân phối vải thiều vừa giúp giảm thiệt hại cho bà con nông dân, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

NAM TRỰC