Nhiều văn bản pháp luật chất lượng yếu
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có nhiều sửa đổi quan trọng, góp phần làm cho chất lượng văn bản ban hành được cải thiện theo hướng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo đó, một văn bản quy phạm pháp luật đạt chuẩn cần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ và tính khả thi.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn
Tuy nhiên, bà Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, các luật được ban hành hiện nay còn ủy quyền lập pháp rất lớn. Có rất nhiều vấn đề về chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng đang giao cho Chính phủ quy định. Qua thống kê của Bộ Tư pháp, trong thời gian từ tháng 7-2011 đến tháng 11-2015, 100% các luật không có đầy đủ văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng với luật theo đúng thời gian quy định. Trong số này thì các thông tư, đặc biệt là các thông tư liên tịch có tỷ lệ nợ, chậm đến vài năm rất cao.
Cuối tháng hai vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố cuộc bình chọn quy định pháp luật về kinh doanh năm 2016. Cuộc bình chọn hướng tới việc lựa chọn các quy định pháp luật về kinh doanh tốt nhất và kém nhất theo đánh giá của doanh nghiệp, hiệp hội và hội đồng chuyên gia và từ đó gợi ý các giải pháp cải thiện, điều chỉnh cho các cơ quan soạn thảo. Bên cạnh đó, thông qua việc bình chọn sẽ khuyến cáo các cơ quan, bộ, ngành thận trọng hơn trong việc thiết kế, xây dựng các quy định pháp luật. Các quy định pháp luật được đánh giá là các quy định tại các văn bản pháp luật cấp Trung ương và được ban hành trong giai đoạn 2011-2015, không bao gồm các văn bản pháp luật đã hết hiệu lực hoặc chưa có hiệu lực. Trong tổng số 237 quy định pháp luật được đề cử, khi phân loại cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các cấp: Luật, nghị định, thông tư. Sau khi sàng lọc, Hội đồng chuyên gia đã xếp loại 114 quy định pháp luật được đánh giá là quy định tốt (chiếm 48%) và 123 quy định được đánh giá là kém, chiếm 52%.
Có 43% quy định được đánh giá tốt nằm ở các luật; các quy định có nội dung kém nằm trong luật là 24%. Ngược lại, ở cấp nghị định và thông tư có tỷ lệ quy định được đề cử kém cao hơn, lên đến 70%. Điều này cho thấy, chất lượng văn bản pháp luật ở cấp nghị định, thông tư có xu hướng kém hơn so với các luật. Có 41 quy định về thủ tục hành chính và 24 quy định về điều kiện kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia đánh giá là yếu kém, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc đánh giá các quy định pháp luật về kinh doanh tốt hay chưa tốt dựa trên 10 tiêu chí do VCCI và Hội đồng chuyên gia xây dựng trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, tham khảo thêm các tiêu chuẩn của quốc tế... Các chuyên gia cho rằng, những quy định chưa tốt đã được chỉ ra là những quy định không có mục tiêu chính sách rõ ràng, quy định vượt quá phạm vi thẩm quyền được giao, trao quyền quá lớn cho cán bộ thực thi hoặc thiếu minh bạch... Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI lấy ví dụ, Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 không cho phép văn bản cấp thông tư được đặt ra điều kiện kinh doanh. Như vậy, thông tư này đã trái với luật, vượt quá phạm vi thẩm quyền được giao.
Minh bạch trong quá trình xây dựng văn bản
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang đánh giá, khi ban hành luật, nghị định hay thông tư, các cơ quan soạn thảo chưa chú trọng đến việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động. Mặt khác, chính bản thân doanh nghiệp, hiệp hội chưa “mặn mà” khi đóng góp ý kiến. Do vậy mà khó khăn chồng chéo; người có thẩm quyền gây khó khăn cho doanh nghiệp do những quy định hướng dẫn thi hành khó hiểu, phức tạp. Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định cơ quan nhà nước phải bồi thường vì ban hành văn bản pháp luật sai, chậm gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động phản biện khi được lấy ý kiến xây dựng pháp luật; chủ động phản ảnh “hơi thở” của thực tiễn sản xuất kinh doanh đến các nhà quản lý.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay phải thúc đẩy được sự sáng tạo, hợp lý, gần gũi với thực tế; phản ánh được xã hội đang có sự thay đổi rất nhanh nhưng đồng thời cũng có không ít những vấn đề bức xúc đang kìm hãm sự phát triển. Quy trình soạn thảo phải minh bạch, dân chủ hơn, lắng nghe tiếng nói của người dân, đề xuất của người dân để đưa vào luật. Cần phải có quy định xử phạt người đã đưa ra quy định pháp luật sai, làm phương hại đến xã hội và doanh nghiệp. Lâu nay, hệ thống pháp luật của nước ta chưa chú trọng đến trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình đang rất thiếu vắng vì quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là sản phẩm của tập thể nên không có ai chịu trách nhiệm. Vì không nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng pháp luật nên mới có chuyện “tham nhũng chính sách” hoặc lợi ích nhóm được thể hiện ngay trong các điều luật.
Để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, các chuyên gia cho rằng, cần phải tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình soạn thảo luật và các văn bản dưới luật; trong quá trình triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn cần tăng cường tham vấn ý kiến của người dân và doanh nghiệp... Mặt khác, các văn bản pháp luật cần hạn chế tối đa xây dựng theo luật ống, luật khung; không trao quá nhiều quyền cho các cơ quan quản lý và cần quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay từ những phát biểu đầu tiên trên cương vị thủ tướng đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý các vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo kinh tế thị trường trong tất cả các lĩnh vực”. Môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta thuận lợi hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng các quy định pháp luật. Chính vì vậy, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà Chính phủ đang tập trung thực hiện. Với những nỗ lực của Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc tăng cường đối thoại, tương tác với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, kỳ vọng những hạn chế trong quá trình xây dựng pháp luật sẽ sớm được giải quyết.
MINH MẠNH