Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 58). Đây là nghị quyết mang tính lịch sử để Thanh Hóa “điều khiển sắp đặt” tận dụng thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng và sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Bài 1: Cơ hội “vươn mình” phát triển
Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị thể hiện rõ sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương đối với Thanh Hóa. Đây là cơ hội rất thuận lợi để Thanh Hóa bứt phá, vươn lên. Vậy cơ sở nào để Trung ương ban hành nghị quyết mang tính “lịch sử” và đâu là những thách thức đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa phải vượt qua?
Nghị quyết “lịch sử”
Thanh Hóa, vùng “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng và văn hóa đặc sắc. Với bề dày lịch sử hơn 990 năm, danh xưng Thanh Hóa đã hun đúc nên truyền thống vẻ vang và bản chất tốt đẹp của con người xứ Thanh: Cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm... lập nên nhiều chiến công hiển hách và nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 |
Cảng nước sâu Nghi Sơn ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: LÊ MINH |
Trò chuyện với chúng tôi đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa chia sẻ: “Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh có 3 vùng địa lý; có quy mô lớn về diện tích (thứ 5 cả nước); dân số đông thứ 3 cả nước; là tỉnh có nhiều di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc; có tài nguyên thiên nhiên phong phú. Thanh Hóa còn là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là nơi kết nối Đồng bằng sông Hồng với Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa có đầy đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa); nằm trên tuyến đường huyết mạch Bắc-Nam. Đó là một trong những cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58”.
Một cơ sở rất quan trọng để Bộ Chính trị Ban hành Nghị quyết 58 đối với Thanh Hóa là những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới, đặc biệt trong 10 năm qua (giai đoạn 2010-2020), mức tăng trưởng luôn duy trì ở hai con số và hơn 10%; thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 29.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015 và gấp 7,5 lần năm 2010... Thanh Hóa có cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng đã được xây dựng trong thời kỳ vừa qua như: Khu Kinh tế Nghi Sơn; Cảng nước sâu; Cảng hàng không Thọ Xuân...
Minh chứng cho những con số ấn tượng trên, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 1A, cách trung tâm TP Thanh Hóa gần 40km về phía Nam là thị xã Nghi Sơn-một thị xã còn rất trẻ (thành lập năm 2020), nơi có khu Kinh tế Nghi Sơn-một trong 8 khu kinh tế ven biển của cả nước, nằm trọn trong địa bàn. Trong chút nắng ấm áp đầu xuân mới, ông Đỗ Tiến Thụ, ở tổ dân phố Xuân Hòa, phường Hải Hòa, người đã gắn bó với mảnh đất này từ những ngày còn gian khó cũng phải ngỡ ngàng trước sự đổi thay của quê hương Tĩnh Gia trước đây (nay là thị xã Nghi Sơn). “Đường sá, khu dân cư được quy hoạch khang trang, hiện đại; doanh nghiệp lớn, nhỏ kéo về “định cư” sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người dân, đời sống nhân dân nhờ vậy được nâng lên từng ngày”-ông Đỗ Tiến Thụ tâm sự.
“Thực mục sở thị” tại Khu kinh tế Nghi Sơn, một đại công trình với những nhà máy trải dài hút tầm mắt, Cảng nước sâu Nghi Sơn nườm nượp xe công trình vào-ra. Từ sự kiện ngày 15-5-2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn, đến nay Nghi Sơn đã và đang khẳng định là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tính đến cuối năm 2021, Khu kinh tế Nghi Sơn có 234 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 132.000 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12,7 tỷ USD. Đồng chí Trương Bá Duyên, Phó bí thư Thường trực Thị ủy Nghi Sơn cho rằng: “Thành quả có được như ngày hôm nay, thể hiện rõ khát vọng vươn lên của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn”. Quả đúng như vậy, khi chúng tôi trở lại địa bàn các xã: Tĩnh Hải, Hải Yến, Hải Thượng, Hải Hà trước đây... thật khó có thể hình dung những xóm làng gắn bó bao đời với bà con, nay là Nhà máy Lọc hóa dầu (quy mô 350ha); Nhà máy Nhiệt điện... Chính khát vọng vì sự phát triển của quê hương mà hàng nghìn hộ dân các xã trên đã đồng thuận, tự nguyện di dời nhường chỗ cho các nhà máy về đứng chân.
Với những thành tựu đạt được sau 35 đổi mới, Thanh Hóa đang cần một tầm nhìn mới và Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị được ban hành, xác định mục tiêu, những định hướng lớn, mang tính “lịch sử” để Thanh Hóa vươn mình phát triển. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58 sẽ giúp Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, với tác động cộng hưởng, lôi kéo, thúc đẩy kinh tế vùng; cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, giảm áp lực cho Thủ đô về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giảm áp lực cho ngân sách Trung ương; trở thành hình mẫu về phát triển hài hòa, nhanh, bền vững. Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị còn là điều kiện để Thanh Hóa hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm địa phương.
Ngày 13-11-2021, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 37/2021/QH15 “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”, đây là sự cụ thể hóa cao nhất, sinh động nhất Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, nhằm tạo ra xung lực mới để Thanh Hóa phát triển. Nghị quyết 37 của Quốc hội gồm 8 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có những chính sách Trung ương bổ sung, hỗ trợ nguồn lực cho địa phương, đồng thời các chính sách về phân cấp quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp sẽ tạo sự chủ động, tăng tính trách nhiệm của địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư các dự án lớn. Đồng chí Vũ Xuân Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Nếu Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị là điều kiện cần thì Nghị quyết 37 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù là điều kiện đủ, tạo cơ sở, cơ chế chính sách cho các địa phương có tiềm năng lợi thế có thêm nguồn lực, tạo đòn bẩy bứt phá nhanh phát triển kinh tế-xã hội và tạo sức lan tỏa cho các địa phương trong vùng.
Không gian mới-thách thức mới
Thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết, trong đó xác định rõ thời gian hoàn thành từng nội dung công việc theo lộ trình phù hợp; phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện. Chương trình hành động được xây dựng trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước; đẩy mạnh hội nhập quốc tế để phát triển nhanh và bền vững...
 |
Một góc Thanh Hóa hôm nay. |
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Trong nhiều năm qua, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo “sắp đặt” cơ bản các nguồn lực, trong đó, chú trọng phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực (Trung tâm động lực TP Thanh Hóa-TP Sầm Sơn; Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn); Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành-Bỉm Sơn); Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn-Sao Vàng); 5 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; dịch vụ y tế; phát triển hạ tầng); 6 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Bắc Nam; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Đông Bắc; hành lang kinh tế trung tâm; hành lang kinh tế quốc tế), tạo không gian mới cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.
Mở rộng không gian để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, đồng thời tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 37 của Quốc hội để Thanh Hóa phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho mảnh đất xứ Thanh này. Ngược Tỉnh lộ 47, chúng tôi về huyện Thọ Xuân là trung tâm động lực phía Tây của tỉnh. Vậy mà dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, nhiều khu đất quy hoạch cụm công nghiệp vẫn chẳng có doanh nghiệp nào. Cả một vùng Lam Sơn-Sao Vàng rộng lớn, điểm nhấn duy nhất là Nhà máy Mía đường Lam Sơn. Tiếp tục xuôi theo đường Hồ Chí Minh, vượt lên vùng miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi đến bản Đôn, xã Thành Lâm-Nằm trong khu du lịch Pù Luông, nơi đây được ví như Sa Pa, Đà Lạt nhưng theo đồng chí Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã thì doanh nghiệp lớn vào đầu tư chưa có, chủ yếu bà con phát triển du lịch cộng đồng, đời sống có khấm khá hơn nhưng để tạo “cú huých” đổi thay thực sự thì còn nhiều vấn đề trong tương lai từ nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông kết nối; thu hút đầu tư.... “Đó cũng là những khó khăn chung ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó, vấn đề phát triển, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng các khu công nghiệp; tiếp tục hoàn thiện về thể chế; thu hút đầu tư mạnh mẽ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, mời gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn về đứng chân trên địa bàn... là những thách thức của tỉnh trong thời gian tới”-đồng chí Lôi Quang Vũ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Để vượt qua những thách thức, đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 58 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, theo lãnh đạo các địa phương trong tỉnh thì Thanh Hóa trước hết cần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ để cụ thể hóa một cách sinh động nhất, hiệu quả nhất những chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Từ đó, khơi thông những “điểm nghẽn”, đặc biệt là hoàn thiện cơ chế, truyền lửa niềm tin, hành động quyết liệt, hiệu quả, “điều khiển sắp đặt” hợp lý các nguồn lực để tận dụng thời cơ, bứt phá đi lên.
“Mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hoá và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” - Trích Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
(còn nữa)
Nhóm PV Báo QĐND