Thế nhưng, tỉnh luôn bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng thanh niên nhập ngũ ngày một nâng lên. Riêng năm 2021, toàn tỉnh có hơn 3.500 công dân nhập ngũ vào các đơn vị trong quân đội. Trong đó, sức khỏe loại 1 chiếm 20,8% (tăng 2,85%), loại 2 là 59,8% (tăng 7,59%); trình độ văn hóa trung học phổ thông là 72,7% (tăng 7,6%); đại học, cao đẳng, trung cấp là 6,2% (tăng 3,6%). Đặc biệt, 100% thanh niên trúng tuyển đều yên tâm, phấn khởi, sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Đại tá Lê Văn Diện, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Có được kết quả đó là nhờ cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền và hội đồng NVQS các cấp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Luật NVQS và bảo đảm tốt các chính sách đối với thanh niên nhập ngũ...”.
 |
Cán bộ Ban CHQS huyện Bá Thước và thành viên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã Điền Lư động viên thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ. |
Khảo sát thực tế tại một số địa phương, chúng tôi nhận thấy cấp ủy, chính quyền, hội đồng NVQS, cơ quan quân sự các cấp luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật NVQS sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú như: Phát tờ rơi, tuyên truyền thông qua họp dân, sinh hoạt đoàn, hội; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, tuyên truyền lưu động tại các trường học, các thôn bản, khu dân cư... Thượng tá Hà Quốc Thịnh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bá Thước nêu kinh nghiệm: “Huyện Bá Thước có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, để tuyên truyền, vận động công dân tự giác tham gia NVQS, chúng tôi phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đối với một số xã vùng cao, Ban CHQS huyện phối hợp với hội đồng NVQS huyện và các xã tổ chức tuyên truyền lưu động bằng tiếng phổ thông và tiếng đồng bào; tham mưu, chỉ đạo các địa phương quan tâm, tặng quà, động viên thanh niên nhập ngũ cũng như gia đình các quân nhân có hoàn cảnh khó khăn”.
Cũng như ở huyện Bá Thước, ngoài việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Thọ Xuân còn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức địa phương làm gương trong việc vận động con em mình thực hiện NVQS. Ông Võ Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Minh cho biết: “Năm 2021, xã Xuân Minh có 7 công dân nhập ngũ, trong đó có 4 công dân là con em của cán bộ công chức, đảng viên trong xã”.
Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương cũng có nhiều chính sách đối với quân nhân khi hoàn thành NVQS như tạo điều kiện cho vay vốn, cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh, giới thiệu việc làm... Thượng tá Nguyễn Quốc Du, Chính trị viên Ban CHQS TP Thanh Hóa cho biết: “Khi thanh niên hoàn thành NVQS trở về địa phương, chúng tôi nắm tâm tư, nguyện vọng của từng đồng chí, báo cáo với hội đồng NVQS và UBND thành phố để thực hiện tốt các chính sách. Những đồng chí có nguyện vọng tìm việc làm, chúng tôi sẽ liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn với mức lương tối thiểu từ 7 triệu đồng trở lên. Những đồng chí có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động thì chúng tôi sẽ liên hệ với các cơ sở có uy tín để giới thiệu cho anh em. Trường hợp cần vay vốn, địa phương sẽ tạo điều kiện giới thiệu cho anh em vay vốn sản xuất, kinh doanh...”.
Một trong những cách làm hiệu quả trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ ở Thanh Hóa là các địa phương đã quán triệt và thực hiện tốt việc gắn công tác tuyển quân với công tác tạo nguồn cán bộ ở cơ sở, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung (Mường Lát) cho rằng: “Các quân nhân được học tập, rèn luyện trong quân ngũ đều rất chững chạc, trưởng thành. Vì vậy, các đồng chí được cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân tín nhiệm, tin tưởng. Nhiều đồng chí được bầu làm bí thư chi bộ bản, trưởng bản, thôn đội trưởng, bí thư chi đoàn hoặc các chức danh ở xã và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Do vậy, trong công tác tuyển quân, chúng tôi chú trọng lựa chọn những thanh niên có trình độ học vấn, sức khỏe tốt, lai lịch chính trị rõ ràng để tạo nguồn cán bộ cho cơ sở...”.
Việc gắn chất lượng tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ với tạo nguồn cán bộ cơ sở vừa góp phần xây dựng quân đội, vừa tạo nguồn lực xây dựng nền quốc phòng địa phương vững mạnh đang được thực hiện có hiệu quả ở tỉnh Thanh Hóa.
Bài và ảnh: HUY CƯỜNG