Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Thứ trưởng, kết quả xuất khẩu hai tháng đầu năm 2024 đã có những tín hiệu khởi sắc. Đề nghị đồng chí cho biết đâu là nguyên nhân tạo nên thành công bước đầu này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả từ nhiều năm qua chúng ta thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đang chuyển dần vào chiều sâu gắn với thị trường, trong đó có việc nỗ lực thực hiện đàm phán, xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp.
 |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: DIỆP ANH
|
Kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm nay sang thị trường Mỹ đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; thị trường Trung Quốc đạt 2,065 tỷ USD, chiếm 21%; thị trường Nhật Bản chiếm 7,2%; thị trường Philippines chiếm 4,5%; thị trường Hàn Quốc chiếm 3,8%; thị trường châu Âu và một số thị trường khác chiếm 42,1%. Từ việc xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, châu Âu tăng mạnh cho thấy chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta ngày càng cao. Đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
PV: Kim ngạch mặt hàng rau quả và trái cây hai tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng mạnh, đồng chí đánh giá như thế nào về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2024?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Như chúng ta đã biết, hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu hai tháng đầu năm nay đều đạt giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản phẩm đồ gỗ và lâm sản đạt 2,72 tỷ USD (tăng 61,6%); cà phê đạt 1,38 tỷ USD (tăng 85%); gạo đạt 708 triệu USD (tăng 49,8%); hạt điều đạt 595 triệu USD (tăng 68,2%); tôm đạt 403 triệu USD (tăng 20,5%); riêng mặt hàng rau quả và trái cây đạt 970 triệu USD (tăng 72,8%). Như vậy, mục tiêu xuất khẩu mặt hàng rau quả và trái cây năm 2024 trên 5 tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt được.
PV: Trung Quốc là một trong những thị trường lớn của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản vào thị trường này sẽ tác động lớn tới xuất khẩu của toàn ngành. Thứ trưởng có thể chia sẻ đôi điều về thị trường này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trung Quốc là thị trường lớn đối với xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Với số dân hơn 1,4 tỷ người, đây là một trong những thị trường quan trọng đối với xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đang hoàn tất các thủ tục đàm phán với phía bạn để xuất khẩu chính ngạch thêm các sản phẩm dừa, sầu riêng đông lạnh, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi.
 |
Trang trại nuôi gà ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NGUYỄN NGHINH XUÂN |
Nếu nông sản Việt được khơi thông một cách liên tục thông qua các giải pháp cửa khẩu thông minh và đường sắt, đường bộ... thì tiềm năng, lợi thế về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ không chỉ dừng lại ở con số 23% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023. Vì thế, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm của chúng ta sẽ đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thị trường này và sẽ còn nhiều tiềm năng, cơ hội để mở rộng, đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa.
PV: Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp đối với thị trường các quốc gia theo đạo Hồi. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội, tiềm năng với thị trường này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thị trường các quốc gia theo đạo Hồi trên toàn cầu với dân số khoảng 2,2 tỷ người chính là cơ hội tốt khi sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi theo tiêu chuẩn, chứng nhận từ thị trường này. Chúng ta có những mặt hàng đã xuất khẩu như: Cá tra, rau quả, trái cây, lúa gạo... Tuy nhiên, theo nghiên cứu, đánh giá của chúng tôi, thị trường này còn rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển.
Để xuất khẩu nông sản vào thị trường các quốc gia theo đạo Hồi, phục vụ người Hồi giáo thì sản phẩm phải có chứng nhận Halal (hợp pháp hay được phép). Tháng 5-2024, Bộ NN-PTNT sẽ có hội nghị công bố xuất khẩu sản phẩm thịt gà sang thị trường các quốc gia theo đạo Hồi với khối lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn/tháng. Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp để khai thác từ thị trường này.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN KIỂM (ghi)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.