Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), đến nay, sau 5 năm triển khai, trên cả nước có khoảng 800.000 phương tiện vận tải như xe khách, xe tải đã thực hiện lắp đặt thiết bị GSHT. Thiết bị gắn trên xe sẽ truyền thông tin về trung tâm xử lý của Tổng cục ĐBVN. Các dữ liệu liên quan đến tốc độ xe, số giờ lái xe liên tục, số lần dừng đỗ... sẽ được Tổng cục ĐBVN phân tích, sau đó thông báo cho các sở giao thông vận tải (GTVT) địa phương để xử lý những trường hợp vi phạm. Kết quả bước đầu, số vụ vi phạm về tốc độ đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước khi bắt buộc phải lắp đặt, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Ngoài ra, các đơn vị vận tải cũng nâng cao trách nhiệm, tuyên truyền, nhắc nhở lái xe chấp hành quy định. Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục ĐBVN cho thấy, trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng 80% phương tiện truyền dữ liệu. Ngoài ra, nhiều địa phương không thực hiện xử phạt vi phạm qua thông tin từ thiết bị GSHT.
 |
Xe chở khách tuyến cố định bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong ảnh: Bến xe phía Nam (Hà Nội). |
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở GTVT thành phố, tính đến tháng 12-2017, qua kết quả phân tích dữ liệu từ Tổng cục ĐBVN, sở đã ban hành quyết định thu hồi hơn 7.100 phù hiệu xe ô tô của gần 3.500 đơn vị kinh doanh vận tải; nhắc nhở hơn 26.000 phương tiện vi phạm quy định về tốc độ, quy định về thời gian lái xe liên tục. Bên cạnh đó, Sở GTVT TP Hà Nội còn chỉ đạo các bến xe trên địa bàn từ chối phục vụ đối với các phương tiện vi phạm; đề nghị các sở GTVT địa phương liên quan phối hợp xử lý. Mặc dù vậy, thực tế triển khai đã bộc lộ những bất cập như: Hệ thống GSHT thường chậm, làm ảnh hưởng tới việc theo dõi, kiểm tra, dẫn đến xử lý vi phạm chưa kịp thời; việc tra cứu dữ liệu từ hệ thống vẫn chưa giúp xử lý được triệt để các trường hợp vi phạm, trong đó có tình trạng xe cố định dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, xe chạy vượt tuyến, chạy sai hành trình...
Số lượng thiết bị GSHT được lắp đặt trên các phương tiện tuy chiếm tỷ lệ không nhỏ nhưng nhiều doanh nghiệp đang thực hiện kiểu đối phó, không những gây lãng phí mà còn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn trong công tác quản lý. Trong văn bản gửi Tổng cục ĐBVN, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội kiến nghị, để giải quyết những bất cập này, cần nghiên cứu, xây dựng lại phần mềm quản lý qua thiết bị GSHT, trong đó cập nhật đầy đủ thông tin vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe liên tục, dừng đón trả khách sai quy định... Từ đó, đề xuất Bộ GTVT ban hành quy định quản lý, giám sát và xử lý vi phạm qua thiết bị GSHT đối với phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế của hoạt động vận tải cũng như các quy định hiện hành./.
Bài và ảnh: MẠNH HƯNG