QĐND - Từ năm 1961 đến nay, hằng năm, thế giới cùng kỷ niệm ngày Khí tượng Thế giới vào ngày 23-3. Đây cũng là dịp để tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia đối với công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của con người. Mỗi năm, Tổ chức Khí tượng Thế giới chọn một chủ đề trọng tâm, chủ đề của năm nay là “Khí hậu: Nhận thức để hành động”.

Theo đánh giá của Cơ quan Quản lý thiên tai châu Á thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất ở châu Á, bao gồm tất cả các loại thiên tai vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong đó, bão, mưa lớn, lũ, ngập úng là những loại thiên tai gây nhiều thiệt hại hơn cả. Những năm gần đây, cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng KTTV ở nước ta ngày càng biến động phức tạp hơn, không theo quy luật, mùa mưa bão có xu thế xuất hiện sớm và kết thúc muộn hơn, tần suất bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Nam Bộ có xu hướng tăng lên. Thiên tai nghiêm trọng với những biểu hiện bất thường xảy ra ngày càng nhiều hơn ở nhiều vùng trên cả nước.

Ghi nhận thông số về thời tiết tại Trung tâm Khí tượng Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Để dự báo tốt các hiện tượng KTTV nói chung, cảnh báo và dự báo các thiên tai có nguồn gốc KTTV nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các cơ quan KTTV của mỗi quốc gia phải liên tục hiện đại hóa mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo của mình. Bên cạnh đó, việc tăng cường phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan KTTV quốc gia là hết sức cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên. Thông qua việc làm này, chất lượng theo dõi, giám sát, cảnh báo và dự báo các hiện tượng KTTV sẽ được cải thiện đáng kể.

Nhận thức được vấn đề không biên giới trong bài toán KTTV, đặc biệt đối với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã có thư chính thức đề nghị cơ quan KTTV Việt Nam trở thành Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực (gọi tắt là RFSC) của WMO cho khu vực Đông Nam Á. Trung tâm chịu trách nhiệm cung cấp các sản phẩm và bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm trên khu vực nhằm cải thiện chất lượng dự báo thời tiết nguy hiểm; tăng cường thời hạn cảnh báo, dự báo và tăng cường khả năng hợp tác giữa các Cơ quan dự báo khí tượng quốc gia với người sử dụng, phương tiện truyền thông đại chúng, cơ quan hoạch định chính sách...

Với việc cơ quan KTTV Việt Nam trở thành Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực của WMO, chính thức vận hành từ tháng 6-2014, đã nâng cao năng lực dự báo thời tiết nguy hiểm cho Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Vị thế của KTTV Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cũng được nâng lên. Bên cạnh đó, Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực đi vào hoạt động là tiền đề quan trọng để các cán bộ KTTV của Việt Nam được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật tiếp cận trình độ quốc tế.

Bài và ảnh: LÊ THU HẠNH (Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia)