Làm rõ mô hình tăng trưởng

Theo nhận định của nhiều đại biểu, quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: Lạm phát, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế từng bước hồi phục; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thị trường tài chính dần đi vào ổn định, an toàn, thanh khoản được bảo đảm, lãi suất cho vay trung bình giảm. Tái cơ cấu các ngành kinh tế đã đạt được một số thay đổi về chuyển dịch tỷ trọng các ngành... Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, nhiệm vụ tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu đề ra. Các đại biểu đề nghị cần làm rõ mô hình tăng trưởng, từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới.

Phát biểu tại thảo luận tổ đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, muốn tái cơ cấu thành công thì phải có đủ quyết tâm từ bỏ cách làm cũ. Ngoài ra, cần xây dựng bộ máy để triển khai tái cơ cấu, thậm chí là phải thành lập “đội đặc nhiệm” tái cơ cấu, dám xóa bỏ những gì bất hợp lý khi vận hành nền kinh tế. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý đến việc tập trung vào một số thế mạnh của Việt Nam để tái cơ cấu. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam có ba thế mạnh để phát triển là: Nông nghiệp chất lượng cao, du lịch và nắm bắt xu hướng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển nền kinh tế số.

leftcenterrightdel
Cá tra nên được chọn là sản phẩm chiến lược quốc gia để tập trung phát triển. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN.  

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, để xác định mô hình tăng trưởng thì cần phải xác định nhân tố nào tác động chính để làm sức bật cho nền kinh tế. Trong tái cơ cấu cần đặc biệt quan tâm đến khoa học và công nghệ, hiệu quả sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa trên cơ sở áp dụng công nghệ cao và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là nhóm vấn đề rất quan trọng và đang là điểm yếu của Việt Nam. Thế nhưng, trong những giải pháp tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ đưa ra thì các nội dung này rất mờ nhạt.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, Chính phủ cần tập trung nguồn lực vào năm lĩnh vực chính là: Công nghệ thông tin, du lịch, kinh tế biển, logistics và nông nghiệp để làm trụ phát triển. Đây là những lĩnh vực nước ta có nhiều lợi thế nhưng quản lý yếu kém và chưa có chiến lược rõ ràng khiến giá trị gia tăng còn thấp.

Tiết kiệm phải là quốc sách

Kế hoạch Tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ có đề cập đến năm lĩnh vực trọng tâm, trong đó có hai lĩnh vực mới là: Tái cơ cấu lại thu, chi ngân sách và nợ công để bảo đảm an toàn bền vững cho ngân sách Nhà nước. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, trong tái cơ cấu thì vấn đề tiết kiệm chi tiêu phải là quốc sách, với quan điểm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế và vay trong khả năng trả nợ; phấn đấu tăng thu để tăng chi, thu không đạt thì phải giảm chi, siết chặt kỷ cương tài chính.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, hiện nay trần nợ công đã sát 65% so với mức cho phép của Quốc hội. Trần nợ công chỉ là một chuyện nhưng tỷ lệ trả nợ mới quan trọng. Năm 2015, tỷ trọng tổng nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách đã chiếm 27,5%, trong khi đó giới hạn an toàn chỉ 25%. Vì vậy, dứt khoát từ nay đến cuối năm phải kéo các chỉ số về dưới “vạch đỏ”. Đối với tái cơ cấu thu, chi ngân sách, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ xác định không tăng tỷ trọng động viên ngân sách, không tăng thuế suất nhưng mở rộng cơ sở phải thu thuế, tăng khu vực chính thức. Chính phủ khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp và tăng cường quản lý thuế các cơ sở này, đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp để thành lập doanh nghiệp. Phó thủ tướng cũng cho rằng, phải đổi mới căn bản cách xây dựng dự toán. Xây dựng dự toán phải trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế, cơ sở dữ liệu về kinh tế-xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong kế hoạch tái cơ cấu cần quan tâm hơn đến thị trường trong nước. Với quy mô tới 92 triệu dân thì thị trường trong nước phải là nơi mà các doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt quan tâm, đáp ứng đủ nhu cầu.

Kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém

Phần lớn đại biểu Quốc hội đều cho rằng, các ngân hàng, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, các dự án không hiệu quả thì cần phải kiên quyết loại bỏ. Trong quá trình triển khai đề án tái cơ cấu nền kinh tế, từ năm 2013 đến nay, Chính phủ đã sắp xếp cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn chung quá trình cổ phần hóa còn chưa như mong đợi.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước trước đây cổ phần hóa số lượng rất nhiều nhưng tổng vốn rất thấp. Trong Kế hoạch trình Quốc hội, Chính phủ xác định loại hình doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% cổ phần thì có thể thoái toàn bộ vốn. Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, làm ăn không hiệu quả, dự án đầu tư không hiệu quả thì dứt khoát xử lý chứ không lạm dụng tái cơ cấu. Ngoài ra, Chính phủ sẽ mạnh dạn thí điểm cho phá sản các ngân hàng thua lỗ, yếu kém để cảnh tỉnh các tổ chức tín dụng khác nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, không để xảy ra hiệu ứng đổ vỡ hàng loạt. Đối với ngân hàng còn có thể phục hồi được thì thực hiện tái cơ cấu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, trong thời gian tới phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Chính việc chậm giải thể các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài gây ảnh hưởng rất tiêu cực. Cần phải đưa ra những chỉ tiêu pháp lệnh trong việc xử lý doanh nghiệp yếu kém để nhanh chóng chấm dứt tình trạng doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài, gây ra sự phản cảm, ảnh hưởng tinh thần của người dân trong việc đóng thuế. Người dân sẽ cảm thấy tiền thuế đầu tư vào những chỗ không hiệu quả. Phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách Nhà nước, có như vậy mới tạo được sự đồng thuận, trách nhiệm của cả xã hội; bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. “Nhìn chung, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế Chính phủ chuẩn bị khá công phu. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản nhất vẫn là triển khai thực hiện. Vì vậy, cần phải có sự đồng thuận và triển khai đồng bộ cho tất cả các bộ, ban, ngành và địa phương chung sức thực hiện cho được kế hoạch trên. Có như vậy mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,7-7%; để cho nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng xanh, bền vững”, đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ.

MINH MẠNH - TRƯỜNG GIANG