Phóng viên (PV): Thưa ông, sau 10 tháng hoạt động, Mcredit-công ty thành viên của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với mục tiêu hiện thực hóa chiến lược trở thành tập đoàn tài chính đa năng, trong đó chuyên biệt hóa mảng tài chính tiêu dùng đã “gặt hái” những thành quả đầu tiên ra sao?

Ông Đinh Quang Huy: Tháng 1-2016 công ty được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép thành lập và hoạt động.  Chỉ sau 10 tháng đi vào hoạt động, công ty đã gia tăng sự hiện diện của mình tại hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hơn 800 điểm tư vấn và cung cấp dịch vụ, phối hợp chặt chẽ với MB và các đối tác bán lẻ, như cửa hàng điện máy, xe máy. Đến nay, tổng số nhân sự của công ty lên đến 2.500 người, với gần 2.000 nhân viên kinh doanh tư vấn dịch vụ cho vay ở các tỉnh, thành phố. Số lượng khách hàng tiếp cận lên đến 159.000 người. Dư nợ hiện đạt hơn 1.000 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát ở mức 1,1% cho thấy sự khởi đầu thành công với những nỗ lực vượt bậc của tập thể nhân viên tại Mcredit.

leftcenterrightdel
Tổng giám đốc Đinh Quang Huy.  
PV: Start up (khởi nghiệp) chưa bao giờ là dễ dàng. Với tài chính tiêu dùng là mảng thị trường khá mới mẻ, ông có thể chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn của công ty?

Ông Đinh Quang Huy: Khó khăn nhất chính là tìm ra được định hướng kinh doanh phù hợp với điều kiện của một công ty mới mà vẫn bảo đảm yêu cầu phát triển thị trường. Ban lãnh đạo MB và công ty đã sớm nhìn thấy những khó khăn này để đưa ra giải pháp cho từng thách thức, chủ động “chèo lái” vượt qua thử thách. Công ty đã xây dựng định hướng kinh doanh phù hợp nhu cầu thị trường, xây dựng các sản phẩm phục vụ phân khúc khách hàng bình dân có nhu cầu thiết yếu về mua sắm tiêu dùng. Là đơn vụ thành viên của MB, công ty cũng có những lợi thế như việc tận dụng tối đa sự hỗ trợ và mạng lưới, kênh thanh toán, quan hệ đối tác của MB để Mcredit tiếp cận hợp tác.

Với việc chuyển đổi hình thức pháp lý từ 100% vốn MB sang liên doanh với đối tác Shinsei Bank (Nhật Bản), chúng tôi được bổ sung thêm những thế mạnh về hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống công nghệ và quản trị tiên tiến của đối tác đã có hơn 50 năm kinh nghiệm về thị trường tài chính tiêu dùng. Bên cạnh đó, uy tín của một công ty liên doanh với hai cổ đông lớn là MB và Shinsei Bank giúp chúng tôi thu hút được nhiều nhân sự có kinh nghiệm và tâm huyết cống hiến.

leftcenterrightdel
Nhân viên Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei tư vấn dịch vụ cho khách hàng. 
PV: Đối tượng khách hàng mà công ty sẽ hướng tới là gì và điều kiện vay vốn của công ty có gì khác so với ngân hàng, thưa ông?

Ông Đinh Quang Huy: Mcredit xác định phân khúc khách hàng trọng tâm là những người trẻ tuổi, có thu nhập khiêm tốn và có nhu cầu thiết thực tiêu dùng hằng ngày, như công nhân, nhân viên, lao động tự do, sinh viên mới ra trường. Mục đích vay vốn rất đa dạng, từ mua điện thoại, xe máy, đồ gia dụng đến vay đóng học phí, vay tiền tổ chức cưới hỏi… Khoản vay tối đa là 100 triệu đồng. Trong quý IV này, chúng tôi sẽ giới thiệu sản phẩm dành cho đối tượng quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp quân đội. Đây sẽ là sản phẩm tài chính tiêu dùng đặc thù duy nhất tại thị trường Việt Nam.

PV: Ông nhận định thế nào về xu hướng phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng nước ta thời gian tới?

Ông Đinh Quang Huy: Thị trường tài chính tiêu dùng chỉ mới bắt đầu ở Việt Nam khoảng gần 10 năm. Người dân hầu như còn chưa biết nhiều về tài chính tiêu dùng mà vẫn nghĩ là muốn vay tiền chỉ có hai cách là đến ngân hàng hoặc ra hiệu cầm đồ. Tài chính tiêu dùng ra đời để người dân tiếp cận một kênh vay vốn khác nhanh hơn, dễ dàng hơn. Xu hướng trong khoảng 5 năm tới, nhu cầu tiêu dùng ở người dân vẫn sẽ tăng cao, vì vậy “dư địa” còn rất lớn. Tuy nhiên, tài chính tiêu dùng tiềm ẩn rủi ro cao vì khách hàng có thu nhập khiêm tốn, công việc dễ thay đổi và các khoản vay không có tài sản bảo đảm. Vì vậy, càng bùng nổ thị trường tài chính tiêu dùng càng phải minh bạch và tuân thủ pháp luật để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và chính các công ty tài chính.

HOÀNG TRƯỜNG GIANG (thực hiện)