QĐND Online – Một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK) là một vấn đề lớn, phức tạp. Đây là một chủ trương được đề xuất trong bối cảnh có nhiều cơ hội thuận lợi đồng thời cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu để vượt qua, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Tại diễn đàn Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông: Thời cơ, thách thức và những giải pháp thực hiện do Hội Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 6-11, tại Hà Nội, phóng viên báo QĐND Online đã ghi lại một số ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các giáo sư, tiến sĩ về diễn đàn quan trọng này.

Tham luận của TS Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhấn mạnh, chương trình, SGK mới phải thiết lập được sự cân đối giữa “dạy học và giáo dục”. Việc xác định các lĩnh vực giáo dục và hệ thống môn học, hoạt động giáo dục phải căn cứ vào yêu cầu mới, vừa kế thừa truyền thống và tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước phát triển. Một chương trình và nhiều bộ SGK phải đáp ứng yêu cầu của mục tiêu giáo dục, phải xác định đúng và có cách tiếp cận phù hợp các đặc trưng của từng lĩnh vực giáo dục, môn học, hoạt động trải nghiệm. Đồng thời chương trình, SGK phải đảm bảo được nguyên tắc thống nhất giữa dạy tích hợp và dạy phân hóa. Đặc biệt chương trình và SGK mới phải thể hiện được mục tiêu giáo dục phổ thông nhằm đáp ứng nhu cầu và điều kiện của địa phương, mỗi người học.

Tham luận của GS, TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học, Tâm lý, giáo dục Việt Nam khẳng định, nếu một chương trình chỉ có một bộ SGK thì nội dung giáo dục sẽ bị nghèo nàn, bị trói buộc trong khuôn khổ của một cuốn sách, gây tâm lý ỷ lại, phụ thuộc, không khuyến khích được sự tìm tòi sáng tạo của người học. Để có những bộ SGK phù hợp, có chất lượng cần huy động chính đội ngũ các nhà giáo có kinh nghiệm từ các trường phổ thông và đại học, các chuyên gia giỏi thuộc các Hội nghề nghiệp biên soạn và chịu trách nhiệm trước nhà nước. Nhà nước có thể hỗ trợ bước đầu một phần, hoặc cho vay chi cho việc biên soạn. Sau này có thành phẩm sẽ tổ chức bán thu tiền về để tự trang trải. Cách làm này vừa đơn giản, vừa hợp với khả năng của Việt Nam và sẽ không mất nhiều thời gian và chắc chắn chúng ta sẽ có bộ SGK tốt và không tốn kém. Như thế sẽ có nhiều bộ SGK càng làm phong phú cho việc thực hiện dân chủ hóa trong dạy học, cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học tại các trường. Điều quan trọng nhất hiện nay là căn cứ vào đòi hỏi, yêu cầu cao của đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Đông đảo các giáo sư, tiến sĩ và các nhà giáo, nhà khoa học tham dự diễn đàn.

Giáo sư Văn Như Cương cho rằng, một chương trình, nhiều sách giáo khoa trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn. Để viết được một bộ sách giáo khoa cần phải tập hợp rất nhiều nhà giáo, nhà khoa học không chỉ giỏi mà còn phải có kinh nghiệm. Hiện vẫn còn có những môn học chưa có SGK. Vì vậy đòi hỏi một chương trình, nhiều bộ SGK là không thực tế.

Còn tham luận của GS, TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam khẳng định, chương trình giáo dục phải là một thể thống nhất và SGK nhiều bộ là sự phản ánh tính đa dạng, cần thiết của nội dung chương trình nhằm đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân trên những địa bàn sinh sống khác nhau với những điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau.

Tham luận của PGS, TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho rằng, một chương trình, nhiều bộ SGK là một chủ trương đúng. Nhiều bộ SGK sẽ tạo được sự cạnh tranh, sẽ huy động được trí tuệ của nhiều tầng lớp trong xã hội. Một chương trình, nhiều bộ SGK là nhằm nêu lên nhiều cách tiếp cận, nhiều con đường đến với chân lý, đa dạng hóa một đơn vị kiến thức cơ bản bằng những nội dung cụ thể khác nhau. Thực tế, giáo dục Việt Nam cũng đã thử nghiệm thực hiện biên soạn một chương trình, nhiều SGK dưới nhiều hình thức khác nhau. Còn đối với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Đức, Nga... thì cũng một chương trình có nhiều bộ SGK đã thực hiện từ rất lâu.

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, một chủ trương là rất đúng đắn nhưng nếu chưa đủ những điều kiện cơ bản, cần thiết, thực hiện nóng vội sẽ dẫn đến những hậu quả khó khắc phục và không lường hết được. Tuy nhiên, nếu chờ cho thật đầy đủ các điều kiện mới tiến hành thì khó có thể thực hiện và cập nhật được xu thế tiến bộ của thế giới.

Kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của các giáo sư, nhà giáo, nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài ngành tư vấn, phản biện góp ý kiến và đề xuất cho Bộ GD-ĐT những phương án và giải pháp hay nhằm thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK.

Bài và ảnh: VƯƠNG THÚY