Dư nợ tín dụng xanh đạt 21,2%/năm
Theo các chuyên gia, tín dụng xanh là động lực không thể thiếu trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Với các tổ chức tín dụng, đây không chỉ là công cụ tài chính hỗ trợ phát triển bền vững mà còn là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn hóa hoạt động theo thông lệ quốc tế, mở rộng hợp tác toàn diện. Với doanh nghiệp, dòng vốn xanh hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển lâu dài và hiệu quả.
 |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn kiên trì định hướng tín dụng xanh để hỗ trợ khách hàng. Ảnh: QUỲNH MAI |
Nhận thức rõ vai trò của tín dụng xanh trong thúc đẩy phát triển bền vững, những năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế xanh. Thông qua đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã đẩy mạnh đào tạo, nâng cao nhận thức về tín dụng xanh và định kỳ tổ chức hội thảo, tọa đàm để phổ biến kinh nghiệm, tiêu chuẩn ESG (môi trường-xã hội-quản trị).
Số liệu từ NHNN Việt Nam cho thấy, đến nay, hoạt động tín dụng xanh đã đạt được những kết quả tích cực. Đến cuối quý I-2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng giá trị hơn 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%). Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh trong giai đoạn 2017-2024 đạt bình quân 21,2%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung. Nhiều tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo phát triển bền vững, tăng tính giải trình và minh bạch, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của mình.
Kiên trì định hướng tín dụng xanh
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, nhiều năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn kiên trì định hướng tín dụng xanh, ưu tiên vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với yếu tố bền vững. Năm 2025, Agribank triển khai mới một số chương trình tiêu biểu như: Chương trình cho vay liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 30.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp, lãi suất chỉ từ 6%/năm, cố định đến 24 tháng, áp dụng đến hết ngày 31-12-2025. Đặc biệt, Chương trình “Tín dụng xanh” dành cho khách hàng cá nhân chính thức triển khai từ ngày 1-1-2025, với quy mô 20.000 tỷ đồng. Chương trình tín dụng ưu tiên này được cấp cho các lĩnh vực: Năng lượng tái tạo, bất động sản xanh, nông nghiệp sạch, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Theo báo cáo thường niên năm 2024, dư nợ tín dụng xanh tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) đã đạt 65.063 tỷ đồng-tương đương 8,5% tổng dư nợ của ngân hàng, đưa MB vào nhóm đầu các ngân hàng thương mại trong hệ thống xét theo tỷ trọng tín dụng xanh. Cùng với đó, tín dụng xanh của MB đã tăng trưởng mạnh mẽ, gấp 4,5 lần so với năm 2020. Điều này phản ánh xu hướng chuyển dịch dòng vốn vào các ngành kinh tế ít phát thải, đồng thời khẳng định vai trò của MB trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Trong đó, 79,6% dư nợ tín dụng xanh tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch và tái tạo-lĩnh vực trọng điểm trong chiến lược giảm phát thải quốc gia. Các lĩnh vực nông nghiệp xanh và lâm nghiệp bền vững chiếm 10,6%, phần còn lại thuộc về xử lý chất thải, tái chế và quản lý nước.
Dưới góc độ của ngành ngân hàng, bà Ngô Thúy Phượng, Phó trưởng ban Chiến lược, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, việc khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực, thực hành báo cáo phát triển bền vững để tiếp cận nguồn vốn tốt hơn luôn được chú trọng. Về phía ngân hàng, Vietcombank cũng có định hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về việc đáp ứng các chuẩn mực. Đồng thời, ngân hàng cũng đã thực hiện công bố báo cáo phát triển bền vững, đây là tiêu chí quan trọng đánh giá tính minh bạch của một tổ chức thực hiện cải thiện các yếu tố phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh các ngân hàng tích cực tham gia cung ứng vốn tín dụng xanh, vẫn còn nhiều tổ chức tín dụng chưa báo cáo NHNN Việt Nam, chưa phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Ngoài ra, kết quả tín dụng xanh chưa cao mặc dù còn nhiều dư địa phát triển do thiếu khung pháp lý; công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế; thời gian hoàn vốn của dự án đầu tư xanh dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng. Việc huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính xanh quốc tế còn hạn chế.
Theo Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng đánh giá 5 năm triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là cơ hội để ngành ngân hàng đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, nhận diện những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Từ đó làm cơ sở cho việc điều chỉnh, hoàn thiện định hướng giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động của ngành ngân hàng hiệu quả hơn, góp phần đạt được mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn tới.
NGUYỄN ANH VIỆT
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.