QĐND - Sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, công trình tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) được chủ đầu tư triển khai đồng loạt nhiều gói thầu như: Thi công tuyến ngầm ở khu vực trung tâm quận 1; trưng bày đầu máy, toa tàu lấy ý kiến người dân; chuẩn bị khai thác, vận hành... Người dân thành phố hiện rất quan tâm đến tiến độ thi công, thiết kế đầu máy, toa tàu; kế hoạch vận hành và khai thác của công trình này.
“Chạy nước rút” trước ngày lễ lớn
Trong đợt kiểm tra gần đây, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị thi công tuyến Metro số 1 ở khu vực trung tâm thuộc quận 1, cần đẩy nhanh tiến độ để đến trước ngày 30-4 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng. Ở nhiều gói thầu khác của dự án, các nhà thầu cũng đẩy nhanh tiến độ, đồng loạt thi công nhiều hạng mục quan trọng. Đi thực tế các công trình đang thi công, chúng tôi thấy không khí lao động sôi nổi, hình thành các trụ bê tông chạy dọc Xa lộ Hà Nội, vượt sông Sài Gòn... Đoạn đi ngầm ở khu vực trung tâm quận 1 cũng đã được các đơn vị thi công chuẩn bị bàn giao mặt bằng.
 |
Mô hình đầu máy, toa tàu được Chủ đầu tư trưng bày, lấy ý kiến góp ý.
|
 |
Nhân viên Ban quản lý ĐSĐT TP Hồ Chí Minh thử nghiệm vai trò hành khách bên trong mô hình toa tàu.
|
Đồng chí Bùi Xuân Cường, Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị (ĐSĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết: "Sau Tết, các gói thầu được đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4). Đặc biệt, khu vực trung tâm, Ban quản lý tập trung chỉ đạo, giám sát, đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao mặt bằng trước ngày lễ lớn. Nhà ga ở khu vực Nhà hát thành phố dài 190m, rộng 27m, sâu 33m so với mặt đất đang trong quá trình hoàn thiện tường vây, cọc chống và sàn mái giao lộ Nguyễn Huệ-Lê Lợi. Ban quản lý phấn đấu trong năm 2015 sẽ tiến hành gác dầm tuyến đường dọc Xa lộ Hà Nội, thi công xong các cọc chống, sàn mái của ga ngầm Nhà hát thành phố; tiến hành khoan ngầm 800m ở khu vực ga ngầm Ba Son…Với tiến độ như hiện nay, đến năm 2018, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác".
Lắng nghe ý kiến của nhân dân
Ngày 16-3, chủ đầu tư tổ chức trưng bày mô hình đầu máy, toa tàu tại đường số 11, phường Long Bình, quận 9 để lấy ý kiến góp ý của người dân, các chuyên gia. Mô hình được sơn hai màu chủ đạo là bạc và xanh da trời. Toa tàu được thiết kế cửa thoát hiểm, ghế ngồi, tay vịn, móc nắm, chỗ ngồi dành cho người khuyết tật, phụ nữ mang thai. Mỗi toa có 8 cửa cho hành khách lên xuống.
Sau khi tham quan mô hình, ông Nguyễn Thế Hưng, ngụ ở phường 4, quận 8 cho rằng: “Đầu tàu có thiết kế chưa đẹp, rất giống với đầu xe buýt; cần lắp đặt các tay vịn ở giữa toa tàu để đáp ứng lượng hành khách tăng cao giờ cao điểm; nên thiết kế các ghế dọc theo thân toa tàu để có thể tận dụng tối đa chỗ ngồi cho nhiều hành khách”. Ông Hà Ngọc Trường, Giám đốc Hội cầu đường- Cảng TP Hồ Chí Minh góp ý: Nên tháo bỏ phần nhựa khép kín ngăn cách ở khu vực ghế ngồi để thay bằng thanh sắt làm tay vịn cho người ngồi, tạo sự thoải mái, chắc chắn. Ngoài ra, phần tay vịn cần hạ thấp xuống để phù hợp với chiều cao của người Việt Nam.
Theo Ban quản lý ĐSĐT TP Hồ Chí Minh, mô hình được thiết kế trên cơ sở tham khảo ở nhiều quốc gia, chọn lựa trong nhiều phương án thiết kế, tính toán đến các yếu tố đặc thù và thói quen đi lại của người dân, bảo đảm an toàn; thiết kế hướng đến yêu cầu vận tải hành khách công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường. Trả lời về các tiêu chuẩn an toàn được áp dụng trong thiết kế đối với đầu máy, toa xe, ông Shinachi Hanad, Trưởng bộ phận đầu máy, toa xe của nhà thầu Hitachi cho biết:
- Đầu máy, toa tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản và trên thế giới, bảo đảm độ an toàn, rủi ro ở mức thấp nhất. Các yếu tố an toàn được tính toán kỹ lưỡng, thử nghiệm các thông số theo 3D và mô phỏng bằng các môi trường chịu lực tác động khác nhau, bảo đảm không để xảy ra trật ray, lật tàu. Hơn nữa, thân toa tàu được làm bằng hợp kim nhôm, tránh dễ bị hư hỏng trong môi trường khí hậu của Việt Nam. Trong toa hành khách được trang bị các thiết bị chữa cháy, cấp cứu, bố trí cửa và thang thoát hiểm. Giữa hai toa tàu có lối thông nhau nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách lưu thông khi có sự cố.
Phải chuẩn bị khai thác tốt
Ông Nguyễn Văn Luật, phường 8, quận Phú Nhuận nêu ý kiến: Chiều dài tuyến Metro số 1 chỉ 20km, nên người dân sẽ cân nhắc trong việc lựa chọn các loại phương tiện di chuyển. Chủ đầu tư cần tính đến các biện pháp thu hút hành khách, xây dựng các tuyến đường kết nối, dịch vụ tiện ích kèm theo nhằm tạo sự tiện lợi cho hành khách, tổ chức khai thác, vận hành cho phù hợp. Theo tôi, phải tính toán đến phương án kéo dài tuyến đường tính từ điểm cuối ở quận 9 đi các địa điểm thuộc TP Biên Hòa (Đồng Nai) để thu hút lượng hành khách.
Giải đáp những băn khoăn, thắc mắc liên quan đến công tác vận hành, khai thác, giá vé, chính sách thu hút hành khách, nhằm khai thác hiệu quả tuyến Metro số 1, ông Đoàn Như Cương, Phó trưởng Ban quản lý ĐSĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng: Qua tìm hiểu các dự án Metro ở nhiều quốc gia, công tác chuẩn bị vận hành, khai thác đòi hỏi cần được chuẩn bị trước từ 2-3 năm. Đầu tháng 3 vừa qua, Ban quản lý đã trình UBND kiến nghị thành lập công ty vận hành, khai thác tuyến Metro số 1. Công ty có vốn điều lệ 14 tỷ đồng, có nhiệm vụ chuẩn bị nhân lực, đào tạo nhân viên lái tàu, nhân viên phục vụ… Hơn nữa, Ban quản lý đang hoàn thiện các phương án, dịch vụ kết nối như: Quy hoạch các tuyến xe buýt kết nối với tuyến Metro; các dịch vụ tiện ích như siêu thị, giải khát, điểm gửi xe… với mục đích tạo sự thuận tiện cho hành khách. Mức giá vé bước đầu cũng đã ấn định theo mức 8000 đồng + 800 đồng, tức là, khi lên tàu sẽ là 8000 đồng và mỗi ki-lô-mét tiếp theo sẽ tính với mức 800 đồng. Về quy hoạch kết nối, trong năm 2015, Ban quản lý sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để quy hoạch lại mạng lưới vận tải kết nối, dịch vụ kèm theo gắn kết với tuyến Metro. Điều này sẽ giúp người dân quan tâm sử dụng đến loại hình vận tải hành khách hiện đại này.
Trả lời những người dân thắc mắc vì sao địa điểm trưng bày mô hình ở quận 9, nơi xa trung tâm thành phố, sẽ khiến cho việc lấy ý kiến gặp khó khăn, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban quản lý ĐSĐT TP Hồ Chí Minh giải thích: Vị trí trưng bày hiện tại có diện tích, vị trí trưng bày rộng rãi, có lực lượng bảo vệ, hướng dẫn tham quan, tiếp thu ý kiến đóng góp… Ban quản lý đã phát các thư mời, sơ đồ hướng dẫn đến nhiều cơ quan, cá nhân và mọi người có thể di chuyển bằng xe buýt, xe cá nhân đến vị trí trưng bày. Mặt khác, việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân là mong muốn của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Khi đưa vào vận hành sẽ bảo đảm đầy đủ nhất các yếu tố phù hợp thực tế, bảo đảm an toàn, thẩm mỹ cao. Sau 3 tháng trưng bày, Ban quản lý sẽ tổng hợp các ý kiến, góp ý, trình lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt lần cuối cùng để chuyển cho nhà thầu hoàn thiện thiết kế, tiến hành sản xuất.
Dự án Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) có tổng số vốn đầu tư 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng), khởi công vào tháng 8-2012, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuyến dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6km đường ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km đường trên cao (11 nhà ga). |
Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN