Sáng tạo để thích nghi

Dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa khó khăn, chi phí logistics tăng cao, nhưng 9 tháng năm 2021, doanh thu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), đơn vị có 20 năm trồng và kinh doanh trái cây, vẫn tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, trước đây DN chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ thì nay có nhiều đơn hàng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Thái Lan, với mặt hàng chính là sầu riêng cấp đông. Hiện tại, công ty thu mua từ 100 đến 200 tấn sầu riêng/ngày để xuất khẩu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, việc chuyển hướng từ xuất khẩu trái cây tươi sang trái cây chế biến sâu như hàng sấy, đông lạnh là công ty nắm bắt được khuynh hướng tiêu dùng của nhiều quốc gia có sự thay đổi. Người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm đông lạnh để trữ ăn dần chứ không đi chợ để mua hàng tươi như trước. Ngoài ra, để hạn chế tác động của dịch Covid-19, công ty còn chủ động chuỗi liên kết bằng cách sử dụng nguồn nhân lực địa phương của mỗi vùng nguyên liệu.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế Thịnh Long (Hà Nội). 

Cũng “nhanh chân” có bước chuyển đổi để thích nghi với bối cảnh dịch Covid-19, ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam-đơn vị hoạt động trong lĩnh vực may mặc-cho biết, để đối phó với dịch Covid-19, các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty không còn thực hiện theo tháng, theo quý, theo năm mà kế hoạch có thể thay đổi từng ngày. Cùng với đó, để trụ vững trong bối cảnh khó khăn, M2 tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất, từ khâu kéo sợi cho đến dệt, nhuộm... để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển. Đặc biệt, khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có Hà Nội, các trung tâm thời trang M2 đã nhanh chóng đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Nhờ vậy, tới nay, M2 vẫn giữ chân được người lao động và tiếp tục có những đơn hàng mới.

Chuyển đổi số để gỡ khó cho doanh nghiệp

Việt Nam đã có hơn 800 nghìn DN hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. Với số lượng DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh nêu trên, tính một cách tương đối, cả nước có khoảng 7-8 triệu doanh nhân. Tuy nhiên, xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam còn khá nhỏ bé và hạn chế. DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 95% tổng số DN của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, khả năng sinh lợi, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động của DN còn thấp; tính liên kết chưa cao... Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ ban hành những nhóm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng buộc DN phải sáng tạo hơn trong hoạt động kinh doanh, để thích ứng với các biến đổi của môi trường kinh doanh trong và sau đại dịch. Các DN cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ, như chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, mua hàng trả chậm...

Về các giải pháp hỗ trợ DN, nhiều chuyên gia khẳng định, trước sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, tỷ lệ DN tiếp cận được với chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Việc triển khai một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, điều này gây khó cho các DN tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng ít nhất 30% số lượng các thủ tục hành chính liên quan tới DN được thực hiện theo phương thức điện tử, không tiếp xúc; rút ngắn 1/3 thời hạn quy định cho các thủ tục này; đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét phương án điều chỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền cho phép nâng giới hạn làm thêm giờ để đáp ứng những yêu cầu riêng của các mô hình “3 tại chỗ”, mô hình “bong bóng sản xuất” và đáp ứng nhu cầu trả đơn hàng đúng hạn sau thời gian dài sản xuất bị đình trệ...

Bài và ảnh: KHÁNH AN