Đây là bước đi cần thiết giúp các sản phẩm này có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó hơn 1.700 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Các làng nghề phát triển khá đa dạng với khoảng 50 nhóm nghề, xuất khẩu sang 160 quốc gia với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Sự phát triển của các làng nghề không những mang đến việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng triệu lao động, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước mà còn góp phần gìn giữ, phát triển những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

leftcenterrightdel
Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu đẩy mạnh thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: VĂN HUYNH 

Tuy nhiên, các làng nghề Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi quy mô nhỏ lẻ, phần lớn vẫn là sản xuất thủ công. Đặc biệt những năm qua, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã kéo theo sự đứt gãy, gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Hơn nữa, với xu hướng hội nhập, các làng nghề phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi thị trường tràn lan các sản phẩm hàng hóa ngoại nhập. Để có thể duy trì sự tồn tại, phát triển bền vững thì hoạt động thương mại điện tử nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, xây dựng và phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các làng nghề Việt Nam hơn.

Trong thời gian qua, các làng nghề Việt Nam đã tích cực nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa để gia tăng mức độ đồng nhất của sản phẩm và rút ngắn thời gian sản xuất. Đơn cử như cách làm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh lụa ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) đã thành lập nhóm bán hàng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... liên kết hơn 100 hộ gia đình trong làng nghề tham gia. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh còn tận dụng nền tảng công nghệ để tư vấn, bán hàng trực tuyến. Trước đây, để giới thiệu sản phẩm làng nghề thì hầu hết các cơ sở cần nhờ vào hội chợ hoặc các chương trình kết nối của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hiện nay nhờ ứng dụng thương mại điện tử thì các sản phẩm này có thể dễ dàng tìm kiếm thông qua internet và mạng xã hội.

Cũng nằm trong xu hướng đó, để góp phần đưa các sản phẩm của làng gốm Chu Đậu ra thị trường trong nước và thế giới, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu (Tập đoàn BRG) đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng, marketing thông qua mạng xã hội Facebook và trang web chính thức của công ty https://chudauceramic.vn. Cùng với đó, công ty cũng mở thêm gian hàng ở một số các trang thương mại điện tử bán hàng uy tín như Tiki, Shopee. Do vậy, công ty đã có thêm nhiều khách hàng mới và nhờ thương mại điện tử mà các chi phí bán hàng, chi phí kho bãi, chi phí quản lý... đã giảm rõ rệt so với bán hàng theo phương thức truyền thống. 

HỒNG ANH