QĐND -  Cứ vào cuối năm, tình trạng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ pháo ở các địa phương lại diễn biến phức tạp. Do lợi nhuận lớn, các đối tượng bất chấp pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để nhập lậu pháo vào trong nước tiêu thụ...

Pháo thẩm lậu nhiều đường

Đại tá Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Dịp giáp Tết là thời điểm các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo hoạt động mạnh nhất trong năm. Chỉ tính từ ngày 15-11-2013 đến nay, đơn vị đã bắt 3 vụ buôn bán pháo, thu hơn 120kg pháo. Để tăng tính răn đe, Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố 3 vụ án với 3 bị can về các tội liên quan đến pháo.

Trên thị trường trong nước, các đối tượng bắt đầu tung hàng ra bán. Riêng ngày 12-12-2013, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với cơ quan công an bắt đối tượng Hà Huy Thiêm (quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh) vận chuyển 48 bánh pháo. Cùng ngày, Công an TP Hà Nội bắt quả tang đối tượng Lê Tiến Dũng (quê ở Nam Định) và Phạm Duy Thanh (trú tại Hà Nội) đang có hành vi vận chuyển 2.400 quả pháo hoa (xuất xứ Trung Quốc) từ Bắc Giang về Hà Nội tiêu thụ.

Trên các tuyến biên giới, một lượng pháo không nhỏ đang qua nhiều đường lọt vào nước ta. Riêng ở tỉnh Lạng Sơn, ngoài một số địa bàn trọng điểm như: Tân Thanh (huyện Văn Lãng); Hữu Nghị (huyện Cao Lộc); Chi Ma (huyện Lộc Bình), năm nay, lượng pháo nhập lậu “bung” ra một số địa điểm mới như: Khu vực Na Hình (huyện Văn Lãng); Pò Mã (huyện Tràng Định)... Theo thông tin trinh sát, nhiều kho hàng lớn áp sát bên kia biên giới Lạng Sơn như: Hạ Đống, Lũng Vài, Lũng Nghịu, Ái Điểm, Pò Chài (thuộc Khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc) đã bắt đầu hoạt động.

Thủ đoạn tinh vi, biến đổi khó lường

Công an huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) kiểm đếm hơn 500kg pháo thu giữ trong vụ án buôn bán, vận chuyển pháo nổ mới đây.

Hiện nay, Trung Quốc cho sản xuất và đốt pháo trở lại ở một số địa phương nên đã tác động, gây tâm lý muốn đốt pháo trong một bộ phận dân cư Việt Nam. Việc buôn bán, vận chuyển pháo từ Trung Quốc vào nước ta hiện đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng sử dụng mọi thủ đoạn tinh vi nhằm đưa được pháo qua biên giới vào nước ta tiêu thụ. Trung tá Dương Văn Toàn, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Thủ đoạn xé lẻ pháo giấu trong hàng, trong xe máy, xe ô tô chở hoa quả… khá phổ biến. Trung tá Hoàng Tiến Nam, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết thêm: Ngoài thủ đoạn xếp pháo dưới đáy thùng xe, sau đó đặt luồng, nứa giả làm xe chở cốp-pha xây dựng, chúng còn vận chuyển vỏ pháo công khai (thuốc pháo pha tại chỗ hoặc vận chuyển bằng đường khác), việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn, chúng lại đi kiểu khác, bắt xe khách, đựng pháo vào hành lý rồi nhờ nhà xe cất vào khoang để đồ. Lúc công an kiểm tra, chúng bỏ hàng để đi xe khác. Các đối tượng còn dùng biển kiểm soát giả biển số xe ngành công an, quân đội để qua mắt cơ quan chức năng.

Làm sạch địa bàn, ngăn chặn từ xa

Để đêm Giao thừa không còn tiếng pháo và những tai nạn thương tâm do pháo gây ra, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn. Chúng tôi vừa có mặt tại xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương - nơi đầu năm nay xảy ra hiện tượng đốt pháo tràn lan khiến tỉnh Hải Dương bị Thủ tướng phê bình tại phiên họp Chính phủ ngày 19-2-2013. Cả hệ thống chính trị huyện Kim Thành vào cuộc với quyết tâm và biện pháp đồng bộ. UBND xã Cổ Dũng đã họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phân rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu các ngành, các cấp khi để xảy ra tình trạng đốt pháo. Trưởng công an xã với cương vị chỉ đạo lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự phải chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, UBND xã và cơ quan công an cấp trên. Để Tết Nguyên đán Giáp Ngọ không xảy ra tình trạng tương tự, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã kiểm tra từng khu vực kinh doanh, dịch vụ, phối hợp với Ban CHQS xã đến từng cơ sở kinh doanh vận tải, yêu cầu lái xe ký cam kết không vận chuyển, buôn bán pháo.

Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) kiểm đếm tang vật của vụ vận chuyển pháo bị bắt giữ.

Thượng tá Đoàn Anh Dũng, Phó trưởng Công an huyện Kim Thành khẳng định: Trinh sát phải nắm chắc tình hình, ngăn chặn pháo lọt vào địa bàn. Theo điều tra, các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo không đợi đến Tết mới hoạt động. Chúng thường vận chuyển nhỏ lẻ, rồi tập kết, găm hàng đợi đến sát Tết Nguyên đán mới bán ra thị trường.

Ngoài việc làm sạch địa bàn, truy quét pháo, các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân về tác hại của pháo. Tại các chợ, trung tâm thương mại khu vực biên giới Tân Thanh (Lạng Sơn), TP Móng Cái (Quảng Ninh), lực lượng công an đến từng ki-ốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho tiểu thương. Đại tá Nguyễn Trung Thực, Phó giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lực lượng công an đã tổ chức cho hơn 150.000 học sinh, sinh viên, hơn 26.000 cán bộ, công chức và 100% hộ dân cư ký cam kết không buôn bán và không đốt pháo.

Tiếng loa phát thanh tuyên truyền tác hại của pháo đã lan tỏa sâu rộng đến mọi miền từ nông thôn đến thành phố. Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành đã mang lại hiệu quả. Nhiều người tự giác mang nộp pháo và gửi thư tố giác tội phạm. Anh Nguyễn Quý An, trú tại cụm 1, thị trấn Gia Lộc (Hải Dương) phấn khởi nói với chúng tôi: Ngày 7-12-2013, tôi đã phát hiện một bao tải chứa hơn 20kg pháo vứt ở ven Quốc lộ mới 5B. Không do dự, tôi đã chở thẳng số pháo trên đến cơ quan công an giao nộp. Đây là hàng cấm, không được buôn bán, tàng trữ cho dù lợi nhuận rất lớn. Mỗi người dân cần nhận thức rõ và chấp hành nghiêm pháp luật để xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Bài và ảnh: TUẤN NAM