Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khoa học, kỹ thuật là động lực phát triển đất nước, phụng sự nhân dân. Bên cạnh đó, Người luôn nhấn mạnh sự gắn bó chặt chẽ giữa hoạt động khoa học với việc giải quyết trực tiếp các vấn đề thực tiễn của đời sống xã hội, xem đó là thước đo giá trị của khoa học: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân[1]. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế giới luôn đổi thay nhanh chóng, do đó việc nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi cái mới, để làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội là một yêu cầu hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh của cách mạng Việt Nam.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu khoa học là nội dung cốt lõi thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học, kỹ thuật. Người xem hoạt động này mang bản chất khám phá, phát hiện, tìm kiếm và sáng tạo tri thức mới, kết quả từ nghiên cứu khoa học sẽ trực tiếp giúp con người nâng cao hiểu biết, giải quyết những vấn đề thực tiễn và cải thiện cuộc sống, đóng góp vào sự tiến bộ chung của xã hội giúp cho con người “mở rộng ra những chân trời mới”, “làm chủ được thiên nhiên, cũng như làm chủ vận mệnh của xã hội và của bản thân mình[2]. Đối với phát triển nguồn nhân lực khoa học, Người luôn nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển khoa học, kỹ thuật. Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức[3].

Ảnh minh họa: vista.gov.vn 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ nhân lực cho khoa học, kỹ thuật, nhấn mạnh công tác đào tạo trí thức, kỹ sư, công nhân lành nghề và khuyến khích thế hệ trẻ làm chủ công nghệ. Người có niềm tin sâu sắc vào khả năng của trí tuệ và sự sáng tạo Việt Nam, cho rằng dân tộc ta hoàn toàn có thể tự lực vượt khó, làm chủ công nghệ và xây dựng nền khoa học độc lập, dù cần học hỏi có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Người cũng luôn coi trọng và tìm cách thu hút, phát huy tối đa vai trò của các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước.

Đáp lại sự tin tưởng của Người, nhiều tên tuổi lừng danh như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… đã hết lòng cống hiến, lập nên những kỳ tích khoa học, kỹ thuật trong các giai đoạn đầy gian khó của nền khoa học nước nhà. Đây là minh chứng rõ nét cho tư tưởng trọng dụng nhân tài theo tư tưởng về khoa học, kỹ thuật của Người.

Có thể thấy rằng, trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm về đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học, kỹ thuật giữ vị trí rất quan trọng. Người xem cách mạng thực chất là đổi mới và coi đổi mới, sáng tạo cùng các sáng kiến là cơ sở để cách mạng thành công, thông qua đó, con người có thể tạo ra sản phẩm vật chất, tinh thần, bao gồm cả khoa học, kỹ thuật, công nghệ và rộng hơn là xây dựng nền văn hóa quốc gia. Từ những suy tư sâu sắc và ứng dụng trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống quan điểm khá toàn diện về đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học, kỹ thuật.

Trong hơn 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật, Đảng ta đã từng bước thay đổi nhận thức, xác định vai trò và tầm quan trọng của khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ quốc, trong đó Đảng ta xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu và là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển cả khoa học cơ bản và công nghệ ứng dụng, ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, được xem là yếu tố then chốt để tạo ra đột phá trong phát triển, song hành và là động lực của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia từng bước trở thành động lực quan trọng, gắn kết mọi lĩnh vực, gắn kết nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với mục tiêu là tạo ra giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên tri thức và sự sáng tạo. Song song với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia với ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là phương thức, cách thức và để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo ra mô hình kinh doanh mới, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chủ động tham gia vào nền kinh tế số toàn cầu. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại…[4].

Đảng ta đã kế thừa và phát triển sáng tạo các quan điểm cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật, trong đó khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là quốc sách hàng đầu, là động lực chính với mục tiêu làm chủ công nghệ, phát triển kinh tế số, xã hội số, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, thực hiện khát vọng về một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Để tạo đà cất cánh trong kỷ nguyên mới, Đảng ta đã ban hành 4 nghị quyết chiến lược để đất nước cất cánh trong kỷ nguyên phát triển mới, đó là: Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - “khoán 10” cho phát triển khoa học, công nghệ; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 của Bộ Chính trị về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới" là "quyết sách đột phá", đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là những bước đi ban đầu trong thay đổi tư duy chiến lược để tạo nên động lực cho sự phát triển bền vững đất nước như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, chỉ có khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới.

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang đã qua, chúng ta càng thấy rõ sự kế thừa và phát triển xuyên suốt từ nền tảng tư tưởng của Người về phát triển khoa học, kỹ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong kỷ nguyên mới, các nghị quyết của Đảng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; xây dựng pháp luật và kinh tế tư nhân, chính là sự cụ thể hóa và phát triển sáng tạo tư tưởng ấy trong bối cảnh mới, là tầm nhìn chiến lược cho những bước phát triển đột phá sắp tới, thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong việc xây dựng những động lực cốt lõi, đưa đất nước Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, kỷ nguyên phát triển phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện lúc sinh thời của Người.

PGS, TS TRẦN QUANG DIỆU, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.14, Sđd, tr.97

[2] Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 104

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.90

[4] ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 140

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.