QĐND Online - Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được thực hiện trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2001), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003), Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (năm 2003), Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Những bất cập dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân vẫn còn hạn chế. Do vậy, việc ban hành một đạo luật chung về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là thực sự cần thiết.
 |
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ảnh: TTXVN
|
Ngày 21-5, trình bày Tờ trình dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được xây dựng để quy định một cách thống nhất về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, trong đó, không chỉ xác định rõ thẩm quyền, phạm vi giám sát của từng chủ thể mà còn tăng cường sự phối hợp trong quá trình tiến hành hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và tránh sự chồng chéo, trùng lặp. Do vậy, bên cạnh việc rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định để thể chế hóa các văn kiện của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, dự thảo đã bổ sung những nội dung được đặt ra trong thực tiễn, sửa đổi các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội hiện hành, Chương III của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (năm 2003) và pháp điển hóa các quy định về hoạt động giám sát nội quy, quy chế hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân để khi Luật mới được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống mà không phải chờ sửa đổi các văn bản khác có liên quan hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Với tinh thần đó, dự thảo Luật được thiết kế gồm 5 chương với 94 điều. Dự thảo bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó khẳng định rõ “giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước” (Điều 11).
Dự thảo đã kế thừa quy định hiện hành, đồng thời cụ thể hóa thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong việc xử lý những trường hợp có vi phạm pháp luật, cụ thể: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bãi bỏ, đình chỉ hoặc kiến nghị bãi bỏ, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, pháp luật (các điều 15, 16, 27, 28, 33, 44, 64, 71...); việc miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu (Điều 23 và Điều 68); lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (các điều 20, 21, 38, 49, 66 và 67); yêu cầu kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm (các điều 18, 30, 65); giải tán Hội đồng nhân dân trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân (Điều 39 và Điều 68); bổ sung quy định các chủ thể giám sát có quyền yêu cầu cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện những yêu cầu, quyết định giám sát (Điều 8)...;
Cùng với đó, trên cơ sở kế thừa khái niệm giám sát trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003), khái niệm “giám sát” trong dự thảo Luật được chỉnh lý, bổ sung theo hướng quy định giám sát không chỉ là hoạt động “theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát” mà còn bao gồm cả việc “xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý” (Điều 3).
XUÂN DŨNG