QĐND Online – Chiều 20-5, tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Theo đó, dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) có tổng số 491 điều, được bố cục thành mười phần, 43 chương. So với Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 177 điều, sửa đổi, bổ sung 238 điều, bổ sung mới 76 điều, bãi bỏ 7 điều.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Phần thứ năm) gồm 3 chương 35 Điều (từ Điều 322 đến Điều 356). Trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn hiện hành; đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân như: Quy định rõ hơn căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, theo đó những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là làm cản trở việc thực hiện hoặc mất quyền, nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng dân sự; những sai lầm trong việc áp dụng pháp luật làm thay đổi cơ bản nội dung giải quyết vụ án gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì mới là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Dự án luật phân định căn cứ kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao, theo đó đối với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì chỉ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong trường hợp có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật làm thay đổi cơ bản việc giải quyết vụ án gây thiệt hại lớn đến quyền, nghĩa vụ của đương sự. Đối với bản án, quyết định khác của Tòa án nhân dân cấp cao thì căn cứ kháng nghị như đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh (vì chưa được xem xét qua thủ tục giám đốc thẩm).

Dự án đã sửa đổi, bổ sung quy định về người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Bổ sung Điều 327 mới về đương sự được quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu những tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp, hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc những tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc; trong quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, Tòa án, Viện kiểm sát có thể tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án; Tòa án, Viện kiểm sát thông báo cho đương sự biết về các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án, Viện kiểm sát thu thập hoặc được cung cấp. Cùng với việc bổ sung Điều 327, dự án bổ sung quy định tại thủ tục tại phiên tòa giám đốc thẩm, khi xét thấy cần kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ đã có thì Hội đồng giám đốc thẩm mời đương sự, người tham gia tố tụng hoặc người có liên quan khác đến tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đương sự, người tham gia tố tụng hoặc người có liên quan khác được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu, hoặc về chứng cứ do họ bổ sung trong giai đoạn giám đốc thẩm nếu chứng cứ đó là căn cứ để kháng nghị.

Dảo thảo sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phù hợp với quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân; bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện: Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; không có vi phạm thủ tục tố tụng gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ dẫn đến kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án hoặc áp dụng không đúng pháp luật mà có thể khắc phục được khi xét xử giám đốc thẩm. Quy định này nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, tránh việc phải xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lại trong những trường hợp không cần thiết.

XUÂN DŨNG