QĐND - Ngày 9-7-1960, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam, tiền thân của ngành du lịch Việt Nam. 55 năm xây dựng và trưởng thành, ngành du lịch nước ta đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho sự phát triển của đất nước. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL.

Phóng viên (PV): 55 năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Những thành tựu nổi bật đó là gì, thưa Tổng cục trưởng?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: 55 năm ngành du lịch Việt Nam là một chặng đường trải qua nhiều giai đoạn. Ngành du lịch đã từng bước khẳng định vị thế với những thành tựu nổi bật.

Trước tiên có thể thấy, nhận thức về du lịch đã có bước chuyển biến rõ rệt, hoạt động du lịch đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, phát huy vai trò động lực tạo sức lan tỏa phát triển nhiều ngành nghề khác. Thời gian qua, ngành du lịch đã từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các tiêu chí như: Góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của khối ngành dịch vụ bằng tổng thu từ khách du lịch, năm 2000 là 17,4 nghìn tỷ đồng và đến năm 2014 đạt 230 nghìn tỷ đồng; thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế tại nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận…; tạo ra nhiều việc làm cho xã hội với hơn 800 nghìn lao động trực tiếp và hơn 1,9 triệu lao động gián tiếp; đóng góp để bảo tồn di tích, lễ hội, làng nghề truyền thống; quảng bá nét đẹp văn hóa, hình ảnh con người và đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch... Lượng khách du lịch không ngừng gia tăng và sự tăng trưởng về lượng khách đã thúc đẩy gia tăng nhanh tổng thu từ du lịch và đóng góp vào GDP, mở rộng quy mô của ngành du lịch trên mọi lĩnh vực. Từ năm 2010 đến 2014, sau thời gian khủng hoảng chúng ta đã tăng gấp đôi lượng khách quốc tế, tăng gấp rưỡi lượng khách nội địa.

Du khách quốc tế tham quan Hội An (Quảng Nam). Ảnh: ĐỨC MINH

Nước ta đã hình thành một hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch tương đối hiện đại có khả năng đón tiếp lượng khách quốc tế tăng 30% và khoảng 30-35% khách du lịch nội địa so với hiện nay, theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả.  Các vùng động lực, liên kết giữa các địa phương cũng hình thành, tạo ra sự thúc đẩy cho phát triển du lịch. Ví dụ, ở phía Bắc có tam giác Hà Nội-Hạ Long-Ninh Bình; miền Trung có hai trung tâm Bắc Trung Bộ với tâm điểm Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam; Nam Trung Bộ là Nha Trang và Bình Thuận; Đông Nam Bộ là TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu... Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch được củng cố, hệ thống luật pháp, chiến lược phát triển, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể, quy hoạch khu du lịch quốc gia… được triển khai một cách mạnh mẽ…

PV: Trong bối cảnh khó khăn chung của du lịch thế giới và trước thực trạng khách quốc tế đến Việt Nam giảm sút trong 12 tháng qua, ngành du lịch đã đưa ra những giải pháp cấp bách gì để ngăn chặn đà suy giảm đó, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Để nhanh chóng phục hồi và tiếp tục đà tăng trưởng, ngành du lịch đã tập trung thực hiện một số giải pháp trước mắt như tạo thuận lợi cho du khách bằng chính sách thị thực, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn cho du khách... Vừa qua, Chính phủ đã quyết định miễn thị thực cho công dân 6 quốc gia là: Anh, Đức, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha và Bê-la-rút. Ngành du lịch sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời cải tiến các thủ tục về thị thực như cấp thị thực điện tử, điều chỉnh lệ phí thị thực phù hợp… để tạo thuận lợi cho khách quốc tế vào Việt Nam du lịch. Thủ tướng đã đồng ý chủ trương thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, thu từ du lịch và đóng góp tự nguyện; chi cho quảng bá xúc tiến, phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý và duy trì của quỹ.

Trước thực tế còn một số vấn đề liên quan tới quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách tại không ít địa phương chưa được giải quyết dứt điểm, ngành du lịch đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2-7-2015 chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước, tập trung giải quyết yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, để phục vụ cho việc mở rộng thị trường, ngành cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đi kèm với kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, đặc biệt hướng tới các thị trường chất lượng cao, xây dựng những sản phẩm du lịch cao cấp, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của các thị trường này. Tập trung 4 dòng sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, có khả năng khai thác là du lịch văn hóa, du lịch đô thị, du lịch biển và du lịch sinh thái.

PV: An ninh, an toàn và môi trường chính trị ổn định của đất nước đến thăm luôn được du khách quốc tế đặc biệt quan tâm trong mỗi chuyến đi của mình. Ông suy nghĩ như thế nào về vai trò của quốc phòng-an ninh trong sự nghiệp phát triển du lịch?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trong bối cảnh hiện nay, yếu tố an toàn, ổn định an ninh, chính trị của điểm đến du lịch luôn được khách du lịch xem xét ở vị trí hàng đầu trước mỗi chuyến đi du lịch. Thực tiễn hoạt động du lịch quốc tế và của Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy, tại những khu vực xảy ra khủng hoảng an ninh, chính trị đều có tác động ảnh hưởng tiêu cực làm suy giảm hoạt động du lịch.

Việt Nam luôn được khách du lịch quốc tế đánh giá cao ở yếu tố bảo đảm an toàn, ổn định an ninh, chính trị. Quan điểm vì hòa bình, hợp tác hữu nghị cùng phát triển trong quan hệ quốc tế của Việt Nam cùng với tình hình an ninh trật tự, ổn định chính trị trong nước đã tạo niềm tin cho khách du lịch quốc tế khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến du lịch. Cảm nhận này đã được hầu hết khách du lịch quốc tế phản ảnh tại các cuộc điều tra, phỏng vấn khách du lịch, trên phương tiện truyền thông quốc tế và các trang mạng xã hội. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của quốc phòng-an ninh đối với sự nghiệp phát triển du lịch, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Du lịch Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh này để tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới, đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

MINH NHÃ (thực hiện)