Mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình mới
Trên cơ sở các quan điểm, nghị quyết của Đảng về đổi mới kinh tế gắn với từng bước đổi mới chính trị, bảo đảm giữ vững sự lãnh đạo và nâng cao năng lực toàn diện của Đảng, nhiệm kỳ qua, Quảng Ninh đã chú trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị gắn với đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Tỉnh đã triển khai hiệu quả công tác xây dựng, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị với nhiều mô hình mới. Trọng tâm là triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) gắn với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 3-3-2015 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.
Nhiệm kỳ qua, Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mạnh dạn thí điểm, xây dựng thành công nhiều mô hình mới; 100% đơn vị cấp huyện thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra-thanh tra và cơ quan tổ chức-nội vụ cấp huyện. Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thành lập Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và đào tạo cán bộ tỉnh, Trường Huấn luyện cán bộ đoàn, đội.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Đảng bộ Cục Thuế tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy gắn với sắp xếp lại tổ chức ngành thuế. Đây cũng là địa phương tiên phong thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử (thuộc UBND tỉnh) và Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh). Tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp...
Theo đồng chí Vũ Quyết Tiến, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, các mô hình này được thực tiễn chứng minh là phù hợp, hiệu quả. Việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức, cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
 |
Công trình đường bao biển tỉnh Quảng Ninh, một trong những dấu ấn về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: quangninh.gov.vn. |
Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành
Bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, quy định của Trung ương, xác định vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về công tác cán bộ; chú trọng xây dựng, kịp thời bổ sung quy hoạch cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường luân chuyển cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh luân chuyển, điều động 3.349 lượt cán bộ (trong đó có 117 lượt cán bộ cấp tỉnh; 3.232 lượt cán bộ thuộc diện ban thường vụ các huyện, thị, thành uỷ và sở, ban, ngành quản lý). Thực hiện Đề án về nâng cao chất lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh đã chi gần 260 tỷ đồng để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho 46.100 lượt cán bộ.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, một trong những dấu ấn nhiệm kỳ 2015-2020 là tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc UBND cấp huyện, cấp xã; bí thư cấp ủy cơ bản không là người địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo mô hình “Dân tin-Đảng cử”; 150/177 bí thư đảng ủy cấp xã (chiếm 84,75%) và 13/13 bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đưa ra các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy; tăng cường vai trò lãnh đạo đối với chính quyền đảm bảo đúng thẩm quyền, không buông lỏng hay bao biện làm thay, nhất là thông qua mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Các cấp ủy đã đổi mới việc ban hành nghị quyết theo hướng ngắn gọn, cụ thể, rõ trách nhiệm, phù hợp với cân đối nguồn lực; lựa chọn đúng trọng tâm, bảo đảm tính khả thi, đột phá; coi trọng lấy ý kiến tham gia, phản biện, góp ý của mặt trận và các tổ chức quần chúng. Các cấp ủy cũng coi trọng đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, cải cách hành chính của Đảng; hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định; tăng cường bám nắm cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm mọi việc lãnh đạo, chỉ đạo được thống nhất, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở.
Làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ninh vào tháng 6-2020, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã khẳng định: Những kết quả phát triển về mọi mặt thời gian qua của tỉnh Quảng Ninh là bước đi đúng hướng với tầm nhìn chiến lược và tư duy đột phá. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Nhiều cách làm của Quảng Ninh rất đáng biểu dương, thể hiện được nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quan trọng hơn là tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
BẢO NHƯ