Được mùa, giá tốt
Vụ Hè Thu năm 2024, các địa phương thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình) gieo trồng khoảng 2.200 hecta lúa. So với những năm trước, tình trạng diện tích đất bỏ hoang vụ Hè Thu cơ bản không còn; nhiều nơi không trồng được lúa, bà con nông dân cũng chuyển sang các loại cây trồng khác mang lại thu nhập khá cao.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, những năm trước đây, diện tích ruộng bỏ hoang vụ Hè Thu trên địa bàn huyện rất nhiều do giá vật tư phân bón cao, giá đầu ra sản phẩm thấp nên bà con không có lợi nhuận. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, của huyện nên diện tích ruộng bỏ hoang năm nay không còn nhiều. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương liên kết với các công ty giống cây trồng để nhận được sự hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
|
|
Bà con nông dân phấn khởi khi vụ mùa bội thu, giá tốt. |
Ông Phan Duy Trinh, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch hồ hởi: "Năm 2023 trở về trước, nhiều cánh đồng cạnh Quốc lộ 1A hầu hết bỏ hoang vụ Hè Thu do làm ruộng không có lãi. Năm nay, thời tiết thuận lợi, sâu bọ ít cùng với công tác diệt chuột hiệu quả... đã góp phần làm cho vụ mùa trúng đậm, năng suất trung bình đạt 8,5 - 9 tấn/hecta".
Tại huyện Quảng Ninh, dưới nắng nóng đổ lửa, gần 100 hộ nông dân tại xã Võ Ninh đang tập trung phương tiện, máy móc để tranh thủ thu hoạch vụ mùa trên cánh đồng lớn diện tích hơn 75 hecta. Ông Nguyễn Hữu Kỳ, thôn Võ Xá, xã Võ Ninh phấn khởi chia sẻ: ''Vụ Đông Xuân vừa rồi cũng được mùa, được giá, vụ Hè Thu năm nay còn bội thu hơn. Chưa có năm nào chúng tôi thu hoạch vụ mùa trước ngày 2-9. Năm nay do giống tốt, thời tiết ôn hòa mùa màng bội thu, lúa bán ra cũng được giá, từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Trung bình 1 hecta, bà con lãi trên 35 triệu đồng, còn nếu đi thuê ruộng trồng, chăm sóc cũng lãi hơn 20 triệu đồng''.
Liên kết, bao tiêu sản phẩm
Vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh Quảng Bình gieo cấy hơn 15.500 hecta, tăng hơn 1.000 hecta so với những năm trước. Đến nay, nông dân các địa phương đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích lúa, số còn lại dự kiến sẽ đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu thu hoạch trong tháng 8 nhằm tránh thời điểm mưa, bão. Để đạt được kết quả này, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh liên kết từ khâu xuống giống đến lúc thu hoạch để hỗ trợ bà con nông dân.
|
|
Năng suất lúa đạt từ 8,5 đến 9 tấn/hecta. |
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình cho biết: "Đơn vị đã chú trọng đầu tư các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, giống, phân bón và hướng dẫn cách gieo trồng, chăm sóc, đồng thời cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá ổn định. Vì vậy, năm 2023, chúng tôi đã liên kết với bà con trồng 1.600 hecta, năm 2024 là trên 2.000 ha. Đặc biệt, chúng tôi tập trung cho bà con ứng trước giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để bà con tập trung sản xuất có hiệu quả. Khi lúa đạt sản lượng cao, giá tốt thì bà con sẽ chủ động sản xuất, không còn tình trạng bỏ ruộng hoang".
|
|
Lúa chín vàng trên những cánh đồng rộng lớn. |
Vụ Hè Thu năm nay ở Quảng Bình thắng lợi bởi nông dân không chỉ được mùa, được giá mà còn lấp đầy nhiều diện tích ruộng bỏ hoang. "Không chỉ lúa mà với nhiều sản phẩm nông nghiệp khác do bà con sản xuất, chúng tôi sẽ cố gắng tìm cách liên kết, bao tiêu sản phẩm để đảm bảo ổn định đầu ra, tránh tình trạng được mùa, mất giá. Như vậy, bà con mới yên tâm lao động sản xuất trên đồng ruộng của mình", ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình khẳng định.
Bài, ảnh: MINH TÚ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.