QĐND - Mới đây, tại Nhà máy đóng tàu Keppel (Xin-ga-po), Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã cùng các đối tác tổ chức Lễ đặt tên “PTSC Lam Sơn” cho kho nổi, xử lý, chứa và xuất dầu (FPSO) phục vụ dự án phát triển mỏ Thăng Long-Đông Đô ngoài khơi Việt Nam. Đến dự buổi lễ có ông Trần Hải Hậu, Đại sứ Việt Nam tại Xin-ga-po; Tiến sĩ Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); ông Vũ Khánh Trường, Thành viên Hội đồng thành viên PVN; Tiến sĩ Nguyễn Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc PVN; ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc PTSC và lãnh đạo cao cấp từ Nhà máy đóng tàu Keppel, các nhà thầu phụ của dự án, các ngân hàng tài trợ vốn, các khách hàng, đối tác quan trọng và các cơ quan truyền thông, báo chí của Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và Việt Nam.
 |
Các đại biểu trong buổi lễ đặt tên "PTSC Lam Sơn".
|
Đây là dự án hoán cải, nâng cấp và đóng mới FPSO với quy mô rất lớn (tổng giá trị đầu tư hơn 400 triệu USD), lần đầu tiên nhà thầu trong nước PTSC tự đứng ra thực hiện tất cả các khâu, từ thu xếp vốn dự án, thiết kế, mua sắm, chế tạo, chạy thử, vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi, đến vận hành, bảo dưỡng trong suốt thời gian hợp đồng cho thuê tàu với khách hàng LSJOC. “PTSC Lam Sơn” được thiết kế có sức chứa tối thiểu 350.000 thùng dầu, khả năng xử lý 18.000 thùng /ngày và làm việc liên tục (không lên đốc) hơn 10 năm tại mỏ. Hệ thống công nghệ xử lý, lọc tách dầu thô, bao gồm các hệ thống: Phát điện, nồi hơi, cấp điện cho các giàn khai thác, đo đếm, neo 5 ống risers, 2 cáp điện ngầm, các thiết bị an toàn, cứu sinh... theo tiêu chuẩn quốc tế.
Điều đáng nói là PTSC đứng ra nhận trách nhiệm tiếp quản FPSO từ nhà thầu Fred Olsen Production (FOP) của Na Uy (được coi là nhà thầu lớn thứ 4 thế giới, đã nhận thầu nhưng sau đó từ chối thực hiện). Do đây là một dự án sửa chữa, hoán cải và đóng mới phức tạp, việc FOP rút lui đã làm cho dự án phát sinh thêm nhiều vấn đề kỹ thuật, thương mại và pháp lý. Tuy nhiên, với việc phát huy truyền thống của một tập thể anh hùng, lại nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ PVN, sự hỗ trợ phối hợp của các đối tác, tập thể cán bộ, nhân viên PTSC (đặc biệt là Ban quản lý dự án) đã hoàn thành việc tiếp quản và tái triển khai dự án trong thời gian kỷ lục (22 tháng). Cán bộ, nhân viên PTSC và các lực lượng liên quan đã phát huy tinh thần sáng tạo, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm để hoàn thành dự án với tiến độ đề ra, đạt cột mốc hơn 7 triệu giờ làm việc liên tục an toàn, không xảy ra bất kỳ sự cố nào.
FPSO sau khi sửa chữa và hoán cải đã đạt chất lượng quốc tế, được Đăng kiểm DNV và Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận. Từ thành công trong dự án này, PTSC tiếp tục khẳng định năng lực, nâng tầm cao mới vươn mình trở thành một trong những nhà thầu FSO/FPSO hàng đầu khu vực.
Bài và ảnh: KHÁNH LINH