Với 13 FTA có hiệu lực, mà gần đây nhất là FTA với EU (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA. Điều này giúp thị trường Việt Nam sôi động và có tính cạnh tranh hơn. Tuy vậy, cùng với việc thực hiện lộ trình giảm thuế theo các FTA, sức ép cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cũng gia tăng, hiện tượng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu cũng xuất hiện, có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa tới lợi ích lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước. Trong bối cảnh đó, PVTM được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương cho biết, PVTM đang ngày càng trở nên phổ biến, là các biện pháp hợp pháp được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng đối với hàng sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. PVTM là “phao cứu hộ” doanh nghiệp khi đi ra "biển lớn", hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, ngay cả các nền kinh tế hội nhập, tự do nhất cũng là những nước có nền kinh tế sử dụng biện pháp PVTM nhiều nhất. Có thể nói, đây là công cụ phổ biến, yếu tố quan trọng trong môi trường kinh doanh thực tế. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, sử dụng để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.
Đánh giá tác động của các biện pháp PVTM, tại Hội thảo "Phòng vệ thương mại-công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập" do Cục PVTM phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức cuối tháng 10-2020, bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục PVTM cho biết, hiệu quả tích cực là tăng thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, các biện pháp PVTM còn bảo vệ lợi ích các ngành sản xuất trong nước, đóng góp 6% tổng GDP năm 2019, giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn, khủng hoảng, giảm nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM như chống bán phá giá. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện các cơ quan chức năng đang điều tra 20 vụ án PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất khác nhau trong nước. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang điều tra, xem xét áp dụng PVTM đối với một số ngành hàng ảnh hưởng đến 1,5 triệu việc làm và đời sống của hàng chục vạn người dân như đường mía, đường lỏng nhập khẩu... Ngược lại, đối với hàng Việt Nam bị điều tra PVTM tại nước ngoài, trong 5 năm gần đây có tới 91 vụ việc.
Từ thực tiễn trên, các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp cũng đã tích lũy được năng lực và kinh nghiệm về PVTM. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, đòi hỏi phải xây dựng khung khổ chính sách, pháp luật mới về PVTM để phù hợp với các quy định tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia; đồng thời, tăng cường công tác PVTM, bảo vệ hợp pháp và hợp lý ngành sản xuất trong nước, nâng cao hiểu biết của các doanh nghiệp, hiệp hội về công cụ PVTM, có chiến lược ứng phó hiệu quả với các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện nay, vấn đề PVTM đang được quy định tại Chương V của Luật Quản lý ngoại thương. Do chỉ là một chương trong luật nên một số nội dung không được quy định cụ thể, dẫn đến hạn chế trong quá trình điều tra và thực thi các biện pháp PVTM. Bà Phạm Hương Giang, Trưởng phòng Pháp chế, Cục PVTM cho biết, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2020, đây được coi là hiệp định thế hệ mới, khác với những hiệp định trước đây, lĩnh vực PVTM có một chương riêng quy định về chống bán phá giá, chống trợ cấp, biện pháp tự vệ toàn cầu và tự vệ chuyển tiếp. Theo đó, ngoài việc bảo lưu quyền và nghĩa vụ theo hiệp định của WTO thì còn nhiều điểm khác biệt mang tính WTO+ như nguyên tắc áp dụng định mức thuế thấp hơn, tức là việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chỉ đủ mức loại bỏ thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; quy định vấn đề xem xét lợi ích công cộng, biện pháp tự vệ chuyển tiếp với thời hạn chuyển tiếp là 10 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực... Để nội luật hóa các quy định này, Cục PVTM đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện EVFTA và PVTM, nhằm tạo cơ sở pháp lý trên cơ sở phù hợp và thống nhất cho việc thực hiện các biện pháp PVTM theo EVFTA và các văn bản pháp luật của Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo Đề án nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới với mục tiêu hoàn thiện pháp luật, chính sách về PVTM; xây dựng chiến lược chủ động, nâng cao năng lực của cơ quan PVTM; xây dựng thể chế, cơ chế phối hợp; đẩy mạnh công tác đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, đồng thời tăng cường xử lý các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
DƯƠNG SAO