Liên kết để tạo nguồn tiêu thụ

Sau gần 40 phút di chuyển từ thành phố Nam Định về huyện Hải Hậu, không khó để nhận ra những cánh đồng trồng đinh lăng rộng lớn, xanh mướt. Từ hơn 3 năm nay, Hải Hậu đã trở thành "trọng điểm" của tỉnh Nam Định trong xây dựng vùng trồng dược liệu chất lượng cao, trong đó, chủ yếu là cây đinh lăng. Ông Nguyễn Vũ Cử, Phó trưởng Trạm Khuyến nông, huyện Hải Hậu, cho biết: “Hải Hậu là một trong hai huyện của tỉnh được chọn thực hiện Dự án phát triển dược liệu đinh lăng theo Hướng dẫn thực hành trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Dự án có sự tham gia của Công ty Cổ phần Traphaco để giúp đỡ người dân về các kỹ thuật trồng cũng như bảo đảm đầu ra cho các cánh đồng dược liệu Hải Hậu”. Theo đó, Hải Hậu đã xây dựng được vùng trồng tập trung đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO có quy mô hơn 200ha với gần 500 hộ tham gia. Những hộ này sẽ được Traphaco hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản để bảo đảm chất lượng nguyên liệu. Cũng theo ông Nguyễn Vũ Cử, mỗi năm, huyện Hải Hậu cung cấp khoảng 700 tấn đinh lăng cho Traphaco. Sản lượng này đáp ứng được 2/3 nhu cầu của công ty về dược liệu đinh lăng. Nhờ có đầu ra và người trồng cây đinh lăng có nguồn thu nhập ổn định từ 25-28 triệu đồng/ha/năm; khoảng 100 triệu đồng/ha/năm đối với hộ áp dụng mô hình nuôi cá xen canh (sử dụng bùn dưới ao để bón cho đinh lăng rất hiệu quả).

Nghĩa Hưng cũng là vùng trồng dược liệu lớn của tỉnh Nam Định. Ông Hoàng Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng cho biết, từ năm 2015, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú phối hợp với huyện Nghĩa Hưng triển khai thực hiện dự án phát triển vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại hai xã: Hoàng Nam và Nghĩa Minh; khoảng 670 hộ dân tham gia trồng các loại dược liệu gồm đương quy, ích mẫu, ngưu tất,... Các hợp tác xã (HTX) trong huyện sẽ đứng ra làm đầu mối liên kết những hộ trồng dược liệu với Công ty Cổ phần Hoa Thiên Phú. Mọi quy trình sẽ được các hộ thành viên thực hiện cùng nhau để bảo đảm thời điểm thu hoạch. Sản phẩm dược liệu của người trồng sẽ được công ty bao tiêu với giá ổn định. Hiện tại, công ty đã xây dựng một cơ sở chế biến dược liệu ở huyện Nghĩa Hưng để phục vụ cho thu mua và sơ chế bảo quản dược liệu. Cơ sở này được bảo đảm tất cả các tiêu chí từ trồng sạch, canh tác sạch, sơ chế sạch đến bảo quản sạch.

leftcenterrightdel
Các xã viên HTX Đông Kỳ (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) chăm sóc cây dược liệu. 

Phát triển bền vững vùng trồng dược liệu

Nhằm phát triển vùng trồng dược liệu bền vững, từ năm 2015 đến nay, huyện Hải Hậu xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu cho 31 xã đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 1 đến năm 2020, sẽ phát triển 647,59ha đất trồng dược liệu, trong đó có 323,8ha đất trồng dược liệu chất lượng cao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) là “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”. Giai đoạn 2 hoàn thành đến năm 2030, trên toàn huyện sẽ có 786,28ha đất trồng dược liệu, trong đó 323,8ha đất trồng dược liệu chất lượng cao theo GACP-WHO. Huyện sẽ phát triển 20 loại cây dược liệu chính gồm 8 loại cây nhập nội, 12 loại cây bản địa, phát triển các loại cây dược liệu đã phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng.

Trong khi đó, tại huyện Nghĩa Hưng, diện tích trồng dược liệu vẫn còn khá manh mún. Phần lớn các hộ trồng dược liệu diện tích chỉ từ 1-2 sào, thậm chí 1/2 sào (180m2). Dù cho thu nhập cao gấp 4 lần cấy lúa nhưng kinh tế của người dân vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Thực hiện chủ trương của huyện trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các hợp tác xã đang xin mở rộng diện tích, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dược liệu. Cùng với đó, huyện đang thực hiện dồn điền, đổi thửa, vận động người dân tạo ra các khu trồng dược liệu có diện tích lớn, hình thành vùng chuyên canh nhằm liên kết với các doanh nghiệp bảo đảm đầu ra thuận lợi.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì vùng trồng dược liệu đã đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Đồng thời, thực hiện tốt việc liên kết giữa “4 nhà” gồm: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước, kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia vào phát triển dược liệu (trong đó có cây dược liệu bản địa) để tạo ra nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân. Có như vậy mới có thể nâng cao giá trị cạnh tranh và bảo đảm cho phát triển bền vững cây dược liệu tại Nam Định.                                                                        

Bài và ảnh: VŨ HIẾU