Quy hoạch và tiến độ triển khai dự án giao thông chậm trễ
Vùng KTTĐ Nam Bộ gồm 8 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang, chiếm 43% GDP và 42% tổng thu ngân sách của cả nước. Nhằm đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), trong những năm qua, Chính phủ đã quy hoạch, triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông quy mô lớn, như: Đường vành đai 3 và vành đai 4 ở TP Hồ Chí Minh, cao tốc Bến Lức-Long Thành, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh), cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Dầu Giây-Liên Khương, Phan Thiết-Dầu Giây, mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, mở rộng Quốc lộ 13 thuộc TP Hồ Chí Minh, tuyến Metro kết nối TP Hồ Chí Minh-Bình Dương-Đồng Nai... Tuy nhiên, các dự án này phần lớn đều chậm tiến độ do vướng về thủ tục, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng... Thực trạng này dẫn đến những đòi hỏi bức bách đối với HTGT, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH.
Giữa tháng 6-2020, đoàn giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giám sát tại Dự án đường vành đai 2 (chiều dài 64km) cho thấy tiến độ rất chậm trễ, chưa biết khi nào hoàn thành. Cả 4 đoạn đều đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và vướng nhiều thủ tục pháp lý, điều chỉnh chủ trương, hình thức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng... Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trong cuộc họp về phát triển giao thông của Vùng KTTĐ Nam Bộ đã nêu thực trạng: HTGT Vùng KTTĐ Nam Bộ còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vận tải đường sắt, đường thủy hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, cần chú trọng đầu tư cho các tuyến đường giao thông có tính liên kết vùng để thúc đẩy phát triển...
 |
Đại lộ Phạm Văn Đồng (TP Hồ Chí Minh) kết nối với hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai tạo hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế, xã hội. |
Cần cơ chế đặc thù và ưu tiên nguồn vốn
Nhằm đón nhận và hấp thụ làn sóng đầu tư mới, thu hút nguồn vốn FDI, các địa phương ở Vùng KTTĐ Nam Bộ đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu công nghiệp, cải cách thủ tục, ban hành các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư… Thực trạng thiếu các dự án giao thông liên vùng, quy mô đang là rào cản gây khó khăn cho sự phát triển. Các dự án giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng lại khó triển khai, chậm tiến độ do nằm ngoài khả năng và thẩm quyền của địa phương cấp tỉnh. Theo ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, các khu công nghiệp lớn ở địa phương có diện tích gần 4.000ha hiện chờ nhà đầu tư mới, nếu không có các hệ thống giao thông trọng điểm kết nối với liên vùng và các cảng biển, thì hiệu quả thu hút sẽ không cao. Chính phủ cần sớm bố trí vốn cho các dự án giao thông, như: Vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, mở rộng Quốc lộ 13…
Tại hội nghị thúc đẩy tăng trưởng, đẩy nhanh liên kết Vùng KTTĐ Nam Bộ được tổ chức mới đây, lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố trong vùng đã thống nhất cao đề xuất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc biệt hướng đến ưu tiên thực hiện quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng cấp bách mang tính liên kết vùng, nhất là tuyến đường cao tốc, hệ thống đường vành đai TP Hồ Chí Minh, hệ thống cảng logistics (dịch vụ liên quan đến hoạt động vận tải)... Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ dự án các cao tốc Bến Lức-Long Thành, Dầu Giây-Liên Khương, Phan Thiết-Dầu Giây, mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, vành đai 3, vành đai 4... Với chủ trương thay đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công, Chính phủ cần ưu tiên nguồn vốn cho các dự án giao thông, giao trách nhiệm giải ngân đúng tiến độ các dự án. Việc triển khai nhanh các dự án giao thông sẽ góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh, so với vùng kinh tế các tỉnh phía Bắc thì Vùng KTTĐ Nam Bộ còn kém hơn rất nhiều. Các dự án trọng điểm đường vành đai 2, 3 và 4 còn dở dang; cao tốc thì đang dừng lại ở quy hoạch, huy động nguồn vốn, chuẩn bị các thủ tục. Chính phủ cần vào cuộc xác định cơ chế đầu tư hợp lý, linh hoạt, cái nào thuộc của quốc gia thì Bộ Giao thông vận tải làm, còn phạm vi của vùng thì các tỉnh, thành phố tính toán để huy động nguồn lực đầu tư. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương trong vùng kinh tế huy động vốn triển khai các dự án cấp thiết, bức bách, tạo động lực cho phát triển KT-XH.
Đối với cơ chế đặc thù về hạ tầng giao thông cho Vùng KTTĐ Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh cần phát huy vai trò chủ động, nỗ lực đặt trong sự quyết tâm chung của vùng và cả nước. Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan để xây dựng cơ chế đặc thù cho Vùng KTTĐ Nam Bộ, đặc biệt là trong tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm. Các bộ, ngành chức năng sẽ nghiên cứu gói hỗ trợ đầu tư để các địa phương trong vùng xây dựng HTGT kết nối; điều chỉnh bổ sung quy hoạch khu công nghiệp của vùng để thu hút, đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài, các tổ chức tín dụng tham gia những gói đầu tư giao thông PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư); nghiên cứu, điều chỉnh ngay quy hoạch sử dụng đất dành cho khu đô thị và khu công nghiệp; nghiên cứu đề xuất lập đề án giao thông kết nối với các khu công nghiệp, bến bãi, logistics, trong khu vực để tạo động lực phát triển.
Bài và ảnh: MINH NGHĨA