Những thách thức đặt ra

Những năm gần đây, vùng Trung Bộ có tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều đô thị mới được hình thành và phát triển. Đến nay, toàn vùng Trung Bộ có khoảng 180 đô thị, trong đó có TP Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương; các thành phố: Thanh Hóa, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang là những đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), cho biết: “Đô thị hóa là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển KT-XH của mỗi quốc gia, vùng và địa phương. Bên cạnh kết quả đạt được, tiến trình đô thị hóa vùng Trung Bộ đã và đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế và thách thức đáng kể, như: Đô thị phát triển không đồng đều giữa các địa phương, giữa các khu vực; quy hoạch đô thị thiếu tính định hướng và thiếu tính liên kết; không gian xanh ngày càng bị thu hẹp; hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu của người dân; năng lực chính quyền đô thị chưa theo kịp với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng; quá trình đô thị hóa phát triển tự phát, gây mất cân đối giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa dân số và việc làm; bất bình đẳng thu nhập gia tăng, gây áp lực về giải quyết nhu cầu nhà ở, trật tự an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường, văn hóa lối sống...”.

Tốc độ đô thị hóa tại TP Đà Nẵng diễn ra nhanh trong những năm gần đây (trong ảnh là khu vực hai bờ sông Hàn). 

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, các đô thị ven biển của vùng Trung Bộ đã và đang chịu các tác động từ biến đổi khí hậu, đặc biệt ở các thành phố có mật độ dân số đông thường chịu tác động nặng nề hơn. Tốc độ đô thị hóa và sự phát triển mật độ dân số đô thị cao cũng góp phần làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu ở các thành phố lớn ven biển. Nhiều thành phố lớn ở Đông Nam Á đang đối mặt với nguy cơ chìm xuống do việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm dẫn đến kết cấu ngầm thay đổi. Đây là thách thức không hề nhỏ đối với các đô thị vùng Trung Bộ trong việc tìm ra các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững.

Thực tế ở nước ta, hệ thống văn bản pháp lý về phát triển và quản lý đô thị bền vững chưa hoàn chỉnh. So với tốc độ phát triển của xã hội và đô thị hóa hiện nay, hệ thống pháp luật phát triển đô thị còn nhiều vấn đề. Việc thiếu những quy định cụ thể khiến cho việc xây dựng và phát triển bền vững các đô thị trong vùng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Năng lực và khả năng quy hoạch đô thị mang tính bền vững bị giới hạn khi không ít thành phố lớn trong vùng không còn nhiều không gian để phát triển. Điều này khiến cho dư địa để quy hoạch đô thị bền vững bị hạn chế và phải tiến hành giới hạn trên không gian đã được quy hoạch. Thêm vào đó, định hướng bền vững của các thành phố cũng chưa được rõ ràng. Nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch và xây dựng mang tính bền vững cho các địa phương còn thiếu...

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ với quy mô lớn, các đô thị ngày càng được mở rộng, đóng vai trò là trung tâm phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở các cấp độ khác nhau. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng Lê Đức Viên cho rằng, việc xây dựng chính quyền đô thị là một yêu cầu khách quan, tuy nhiên cần có lộ trình, cách thức triển khai và phải được nghiên cứu nghiêm túc. Mỗi đô thị, tùy thuộc đặc điểm địa lý, số lượng, mật độ dân cư để lựa chọn mô hình chính quyền phù hợp. Cơ quan chức năng cần xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước...

Từ thực trạng phát triển đô thị vùng Trung Bộ thời gian qua, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (Trường Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng), đề xuất: Các địa phương cần tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hướng tới việc đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội cho từng tiểu vùng và tiến tới cho toàn vùng; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt là vốn FDI để thúc đẩy quá trình đô thị hóa; đổi mới cơ chế tài chính, huy động tối đa các nguồn lực tài chính phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế vùng.

Bên cạnh đó, các địa phương cần mở rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn tài trợ từ các dự án, chương trình hỗ trợ quốc tế. Ví dụ như tận dụng các hoạt động hợp tác về môi trường của các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đã tiến hành xây dựng các thành phố bền vững về môi trường. Kết quả, Đà Nẵng và Huế là hai trong 4 thành phố (hai thành phố còn lại là Hạ Long và Đà Lạt) đoạt được giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”. Hay Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) hỗ trợ các quốc gia thành viên và các bên liên quan đạt được các mục tiêu phát triển đô thị bền vững với trọng tâm là tiếp cận nhà ở và các dịch vụ cơ bản, hệ thống giao thông bền vững, đô thị hóa bền vững, tiếp cận không gian công cộng, các tòa nhà bền vững, tác động môi trường bình quân đầu người của các thành phố và các chính sách đối với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu rủi ro thiên tai...

Để hệ thống đô thị phát triển bền vững và có khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu, các cú sốc từ bên ngoài như dịch bệnh, các địa phương trong vùng Trung Bộ cần lựa chọn và xác định mô hình phù hợp với tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội và điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc trưng của từng địa phương, từng vùng, miền. Qua đó, mỗi đô thị được hình thành và phát triển có bản sắc riêng, giá trị riêng theo hướng bền vững như: Mô hình đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị vệ tinh...

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG