Khắc phục vấn đề này, địa phương đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, chế biến, xây dựng thương hiệu đặc trưng, thúc đẩy sản xuất, phát triển bền vững.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật
Những ngày qua, gia đình anh Phương Thành Trận, ngụ tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước) vui hơn vì trung bình mỗi héc-ta hồ tiêu, anh thu lợi gần 100 triệu đồng/năm. 10ha hồ tiêu của gia đình anh luôn xanh tốt, trụ hồ tiêu đều dùng cây trụ sống như keo, muồng... và để cỏ mọc trong vườn tự nhiên.
Lý giải điều này, anh Trận cho hay: Các trụ sống phát triển nhanh, thích hợp với cây hồ tiêu, mức đầu tư thấp hơn dùng trụ bê tông gần 20.000 đồng/trụ và trồng mật độ phù hợp. Khi chăm sóc, gia đình chủ yếu bón phân hữu cơ vi sinh, cắt cỏ trong vườn kết hợp dùng phân xanh phủ gốc, giữ được độ ẩm nên cây hồ tiêu phát triển tốt.
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước triển khai nhiều chương trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, khó khăn lớn nhất trong ứng dụng khoa học là do tập quán, thói quen canh tác cũ và hạn chế của không ít người dân.
 |
Công nhân tỉnh Bình Phước thu hoạch mủ cao su (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: QUANG ĐOÀN |
Họ thường chạy theo giá và năng suất nên xảy ra tình trạng làm theo phong trào, khiến diện tích tăng nhanh, nhưng chất lượng lại hạn chế, sản phẩm khó tiêu thụ, rớt giá. Thêm vào đó, một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, địa phương nên quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn khá phổ biến.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phương, ngụ xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp than thở: "Thấy giá hồ tiêu tăng cao, nhiều người trồng, gia đình tôi quyết định vay gần nửa tỷ đồng trồng hơn 1.000 trụ hồ tiêu. Tuy nhiên, do chăm sóc không đúng kỹ thuật nên nhiều cây bị bệnh chết, số tiêu sống được chất lượng hạn chế, sản phẩm khó tiêu thụ, rớt giá. Không thu được vốn, tôi phải đi làm thuê kiếm tiền trả nợ...".
Khắc phục những khó khăn, hạn chế, tỉnh Bình Phước triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, xây dựng điểm 10 vùng sản xuất điều quy mô 300ha, 5 vùng sản xuất hồ tiêu với diện tích 2.000ha...
Ngành nông nghiệp tích cực ứng dụng phầm mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng, vật nuôi; tem truy xuất nguồn gốc, giám sát hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng và xuất khẩu. Tỉnh rà soát, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển, như: Hỗ trợ lãi vay, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Các cây trồng chủ lực, tiềm năng được quy hoạch cụ thể. Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, song năm 2021, các cây trồng chủ lực của Bình Phước vẫn tăng năng suất, chất lượng. So với cùng kỳ năm 2020, diện tích trồng điều đạt 141.595ha, tăng 1.727 ha, sản lượng đạt 205.277 tấn, tăng 16.262 tấn; hồ tiêu 15.920ha, tăng 30ha, sản lượng đạt 29.723 tấn, tăng 1.515 tấn; cao su 247.266ha, tăng 607ha, sản lượng đạt 342.329 tấn, tăng 13.330 tấn...
Nâng cao chất lượng chế biến, mở rộng thị trường
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất hạt điều, trái cây sấy, Công ty Cổ phần Eubiz Bình Phước đang tăng tốc nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Giám đốc công ty, trước đây, công ty chủ yếu bán hàng trực tiếp, mở rộng đại lý theo hình thức truyền thống nên mất nhiều thời gian, công sức, chi phí tăng.
 |
Trồng hồ tiêu tại tỉnh Bình Phước (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: DUY NGUYỄN |
Khi dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, việc tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường gặp khó khăn. Trước thách thức này, công ty đã chủ động ứng dụng khoa học chuẩn hóa quy trình, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn thương mại điện tử quốc tế, nhờ vậy đã tiếp cận được nhiều thị trường khó tính tại châu Âu, Nhật Bản... tỷ trọng bán hàng tăng từ 40% lên 60%, giao thương nhanh, giảm chi phí, thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Theo các nhà khoa học, ứng dụng thương mại điện tử là xu hướng tồn tại, phát triển tất yếu và là thời cơ để doanh nghiệp bứt phá ứng dụng công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất hàng hóa theo quy chuẩn, chất lượng quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch, chính xác, chất lượng, uy tín thương hiệu.
Nắm bắt thời cơ này, Tỉnh ủy Bình Phước đã ra nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ. Cụ thể, tỉnh Bình Phước hỗ trợ tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án đối với doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn các huyện; không quá 30% tổng chi phí được hỗ trợ áp dụng đối với doanh nghiệp, cá nhân đầu tư trên địa bàn TP Đồng Xoài...
Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Bình Phước ưu tiên phát triển các lĩnh vực tài chính-ngân hàng; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, tài nguyên... và thực hiện các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực.
Tỉnh cũng tập trung phát triển hạ tầng số; lắp đặt mạng 5G tại khu vực trung tâm tỉnh, các khu công nghiệp, xây dựng website tham gia sàn thương mại điện tử; hoàn thiện 1.224 dịch vụ công kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 777 dịch vụ công cấp độ 4...
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, sản xuất, mới đây, Bình Phước đã công nhận 11 sản phẩm đạt danh hiệu “Sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu năm 2021”, như: Điều rang cốt dừa; bộ sản phẩm hạt điều; bột tiêu đen... tạo thương hiệu đặc trưng, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến từ những cây trồng chủ lực.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2021 đạt 3.544 triệu USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.
NGUYỄN HIỂN - QUANG THẠCH