Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2000, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu (SX, XK) cà phê đứng thứ hai thế giới, trong đó dẫn đầu thế giới về SX, XK cà phê vối. Tính đến năm 2016, diện tích cà phê Việt Nam đạt 645.217ha, trong đó cà phê vối chiếm 96%. Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê, với diện tích 577.000ha (chiếm 89,5%). Trong những năm qua, ngành cà phê Việt Nam có những đột phá về năng suất, sản lượng nhờ áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là sử dụng giống mới. Cụ thể, năng suất cà phê Việt Nam trung bình trong 12 năm trở lại đây đạt hơn 2 tấn nhân/ha, thuộc loại cao nhất thế giới. Nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên đạt năng suất 5-5,5 tấn nhân/ha. Nhiều công ty đạt năng suất bình quân hơn 3 tấn nhân/ha trong nhiều niên vụ.
 |
Vườn cà phê tái canh bằng giống mới tại xã Cư Dliê M'nông (Cư M'gar, Đắc Lắc). |
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Năm 2017, UBND tỉnh Đắc Lắc có Quyết định số 3540/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, giữ ổn định diện tích cà phê 180.000ha, sản lượng bình quân 450.000 tấn/năm, năng suất 2,5 tấn/ha”.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, một trong những giải pháp phát triển bền vững ngành cà phê là sử dụng bộ giống cà phê năng suất cao, chất lượng tốt và trồng xen canh các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế trong vườn cà phê. Theo TS Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: Việc sử dụng các giống cà phê vối mới, giúp năng suất tăng từ 35% đến 48% so với giống cũ, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng nước và hiệu quả sử dụng phân bón. Các mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê với mật độ phù hợp, mang lại lợi nhuận cao hơn so với trồng thuần từ 40% đến 120%, trong đó hiệu quả cao nhất là trồng xen hồ tiêu, tiếp đến trồng xen sầu riêng và bơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, với giá cà phê như hiện nay, bình quân 1ha cà phê trồng thuần cho lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/niên vụ, nếu trồng xen cây ăn quả lợi nhuận sẽ đạt hơn 100 triệu đồng/niên vụ.
Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, hiện nay, cà phê nước ta có 3 sản phẩm chính: Cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay và cà phê hòa tan. Những năm gần đây đã có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng giảm tỷ trọng xuất khẩu cà phê nhân, tăng tỷ trọng chế biến và xuất khẩu cà phê hòa tan, cà phê rang xay. Chẳng hạn, trong vòng 4 năm (2014 -2018), công suất chế biến cà phê hòa tan tăng từ 150.000 tấn/năm, lên 180.000 tấn/năm, đạt định hướng quy hoạch đề ra. Từ năm 2014, sản lượng cà phê hòa tan xuất khẩu không ngừng tăng. Nếu như niên vụ 2014-2015 mới đạt 1,28 triệu bao, thì đến vụ 2016-2017 tăng lên 2,1 triệu bao. TS Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng: “Ngành cà phê Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ cà phê hòa tan, cà phê rang xay từ hơn 10% hiện nay, lên 25% vào năm 2020”.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, một trong những giải pháp phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam là duy trì ổn định diện tích khoảng 600.000ha, năng suất 2,7 tấn/ha, tổng sản lượng 1,6 triệu tấn năm. Đến năm 2020, thực hành thu hái đúng độ chín đạt hơn 90%, tỷ lệ cà phê được chế biến ước đạt 30%, cà phê hòa tan, rang xay chiếm 25% sản lượng, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8-4 tỷ USD.
Mục tiêu tổng quát trong phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam đến năm 2030 nâng kim ngạch xuất khẩu lên 6 tỷ USD, có 30% sản lượng cà phê được tiêu thụ tại thị trường nội địa; đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế trong chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm; coi trọng hợp tác quốc tế, liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp FDI thu hút vốn đầu tư và công nghệ chế biến hiện đại; tiếp tục quảng bá thương hiệu, giữ vững vị trí nước SX, XK cà phê lớn thứ hai thế giới.
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH